Vẩy nến phát mạnh vào mùa hè

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam có gần 3 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh vẩy nến. Những năm gần đây, số người mắc bệnh vẩy nến ngày một gia tăng. Bệnh phát từng đợt, có khi tăng giảm theo mùa. Vào mùa hè bệnh vẩy nến thường phát mạnh.

Suy yếu miễn dịch sinh bệnh

Vẩy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Thông thường, tế bào da mất khoảng 28 – 30 ngày để hình thành, sau đó nâng dần lên bề mặt da, chết đi và rơi ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị vẩy nến, hệ miễn dịch tấn công các tế bào da và đẩy nhanh quá trình hình thành lên 10 lần, thời gian từ hình thành đến chết đi rồi tiến lên bề mặt da chỉ diễn ra trong 3 – 4 ngày. Các tế bào da hình thành liên tục, chết đi và xếp chồng lên nhau nhưng không thể rơi ra khỏi cơ thể sẽ tạo thành những mảng bám đỏ, sưng viêm và bong tróc vảy.

Cho đến nay người ta chưa rõ nguyên nhân gây bệnh vẩy nến nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng, vẩy nến có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch và các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm yếu tố lịch sử gia đình, di truyền; Thừa cân, béo phì; Sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc chẹn beta; Nhiễm trùng, như bị viêm họng liên cầu khuẩn; Tổn thương da do trầy xước, vết tiêm chủng, xăm hình; Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá; Bị cháy nắng; Stress kéo dài.

Kiểm soát ánh nắng hợp lý

Trước đây chúng ta thường khuyên người mắc bệnh vẩy nến tránh ánh nắng mặt trời để tránh kích ứng da nhưng hiện nay, các nghiên cứu của Mỹ cho thấy, việc kiểm soát liều của ánh sáng mặt trời có lợi ích tương tự như liệu pháp ánh sáng.

Theo đó, tắm nắng trong khoảng năm phút mỗi sáng sớm và dần dần tăng thời gian lên tối đa 15 phút là liệu pháp tốt cho bệnh. Khi tắm nắng nên xoa kem chống nắng lên tất cả các phần da tiếp xúc ánh nắng, trừ các mảng da bị vẩy nến. Bắt cháy nắng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng vẩy nến, vì vậy không bao giờ để da phơi nắng quá 15 phút. Tắm biển tốt cho người mắc vẩy nến nhưng sau khi tắm biển phải tráng sạch người và bôi các loại kem dưỡng ẩm bác sĩ kê đơn.

Vào mùa hè, nhiệt và mồ hôi có thể làm cho bệnh vẩy nến trở nên tồi tệ, đặc biệt là trên mặt và da đầu. Điều hoà nhiệt độ có thể giúp giảm đổ mồ hôi nhưng cũng dễ làm khô da. Nếu phải làm việc trong môi trường điều hòa, tốt nhất phải dùng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ. Lưu ý, để ngăn chặn côn trùng đốt, người mắc vẩy nến nên mặc quần áo dài, ở trong nhà lúc chạng vạng tối, khi côn trùng hoạt động mạnh nhất.

Nếu trong mùa hè, bệnh vẩy nến phát mạnh, có thể phải sử dụng một số thuốc như corticosteroid, anthralin, calcipotrien, tazarotene, tacrolimus, pimecroliums. Tất cả các thuốc này đều được bác sĩ kê đơn. Bệnh chỉ khỏi rồi lại tái phát rất mau, vì vậy, người mắc vẩy nến cần giữ gìn làn da, tránh kì cọ và bóc da, tránh để vùng da bệnh bị côn trùng đốt hay tiếp xúc với  xà phòng, vôi làm vùng da nhiễm bệnh mở rộng hơn; tránh để mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tai - mũi - họng. Nên tìm thêm một số loại kem bôi thảo dược giúp mềm da và giữ cho da không bong tróc. Giải pháp lâu dài vẫn là dùng thuốc uống để phòng và trị bệnh.

Dân gian hay dùng cây cải trời và củ khúc khắc lượng bằng nhau sắc nước uống để trị vẩy nến. Khi uống thuốc vẫn nên kết hợp kem bôi. Cây sâm đại hành, ngoài tác dụng làm thuốc bổ máu, chống viêm, kháng khuẩn, còn là một cây thuốc Nam điều trị bệnh vẩy nến.

Theo kinh nghiệm của Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, người ta lấy 15 -20g sâm đại hành khô sắc nước uống hàng ngày. Ngoài ra, có thể dùng nước sắc sâm đại hành lau rửa vùng ngứa và kết hợp bôi thuốc mỡ Salixylic 5%, crizophanic 5%. Sử dụng liên tục trong thời gian 2 tháng là có hiệu quả. Những nơi không có sâm đại hành có thể dùng cây lu lu đực đun nước để rửa vào những vùng da có vẩy nến. Kiên trì dùng trong thời gian 3 tháng là có kết quả.

Vẩy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên không lây nhiễm thông qua tiếp xúc từ người mắc bệnh. 

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top