Vật liệu khử độc khói xe

(khoahocdoisong.vn) - Anh Nguyễn Ngọc Khang, Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại vật liệu có khả năng hấp thụ, lọc bỏ khí thải từ khói xe độc hại, thủ phạm gây ô nhiễm không khí.

Anh Nguyễn Ngọc Khang, Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại vật liệu có khả năng hấp thụ, lọc bỏ khí thải từ khói xe độc hại, thủ phạm gây ô nhiễm không khí.

Lọc bỏ khí độc thành hơi nước

Anh Nguyễn Ngọc Khang đã giành chiến thắng Falling Walls Lab tại Việt Nam - cuộc thi giới thiệu ý tưởng sáng tạo, dự án nghiên cứu và các sáng kiến mang tính xã hội bằng tiếng Anh. Khang giành giải nhất Falling Walls Lab nhờ sáng kiến chế tạo, tổng hợp vật liệu xúc tác có khả năng xử lý khí nitơ oxit (NOx) từ động cơ phương tiện giao thông. Loại khí này có hại cho sức khỏe con người, là một trong những nguyên nhân hình thành sương mù quang hóa, bụi mịn - vấn đề Hà Nội và TPHCM đang đối mặt. Giảm lượng khí thải này sẽ giảm được tác động đến môi trường.

Khang chia sẻ, bản thân rất quan tâm đến các vấn đề môi trường. Giữa năm hai đại học, Khang xin thầy cô lên phòng thí nghiệm tập làm nghiên cứu. Từ lúc đó, Khang đã định hướng nghiên cứu các xúc tác (vật liệu) có khả năng ứng dụng thực tiễn nhằm bảo vệ môi trường. Dự thi Falling Walls Lab với tư cách cá nhân nhưng Khang đang nghiên cứu cùng hai bạn. Nhóm của Khang tạo ra vật liệu xúc tác tổng hợp từ quá trình thủy nhiệt và trao đổi ion kim loại, cho phép NOx trong khí thải động cơ chuyển hóa thành khí trơ và hơi nước, an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.

Hiện Khang cùng các bạn đã tổng hợp thành công xúc tác, cho hiệu quả tốt với độ chuyển hóa NOx lên tới hơn 99,5%. Chất này sẽ được chứa trong một thiết bị xử lý khí thải nằm sau động cơ và trước bô xe. Khí đi qua lớp xúc tác sẽ xảy ra phản ứng khiến NOx thành khí trơ thoát ra ngoài.

Quá trình nghiên cứu, nhóm Khang tìm thấy vật liệu khác có một số tính chất tốt hơn về độ bền, độ chọn lọc. Đối với vật liệu mới này, nhóm đang trong quá trình tổng hợp ban đầu. Nhóm đã có 4 công bố khoa học trong và ngoài nước, trong đó một bài báo do Khang là tác giả chính, một bài được đăng trên tạp chí Journal of Chemistry thuộc danh mục SCIE. Việc nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm, nhưng để áp dụng rộng rãi còn liên quan đến các vấn đề khác như kiểm định, tuổi thọ, thiết kế của xe…

Giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí đô thị

Nguyễn Ngọc Khang cho biết, việc nghiên cứu đưa ra một giải pháp xử lý khói xe ở đô thị là vấn đề cần kíp, nhất là với tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay. 

PGS Phạm Thanh Huyền, Bộ môn Công nghệ hữu cơ - Hóa dầu, ĐH Bách khoa Hà Nội, giảng viên hướng dẫn, đánh giá Khang chủ động, từ việc xin tham gia nhóm nghiên cứu tới đề nghị được tự viết bài báo tiếng Anh. Sự cần cù, nghiêm túc, khiêm tốn cùng tiếng Anh tốt (IELTS 7.0) giúp giai đoạn gần tốt nghiệp Khang trở thành thành viên nghiên cứu chủ chốt của nhóm. Việc tìm ra loại vật liệu mới lọc được khí thải độc hại trong xe gắn máy được coi là phát kiến mới, hữu ích, giải quyết vấn đề nan giải trong các thành phố lớn là tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.  

“Tới đây, các quy định về khí thải đối với phương tiện giao thông sẽ được xiết chặt, việc đầu tư vào hệ thống xử lý khí thải sẽ là bắt buộc đối với các doanh nghiệp và người sử dụng. Xe không đảm bảo điều kiện khí thải sẽ không được lưu hành. Đây là một hướng nghiên cứu vững chắc để có thể ứng dụng cũng như thương mại hóa rộng rãi. Hiện ở Việt Nam gần như không có nghiên cứu nào bài bản về vấn đề này. Hiện nhóm tiếp tục hoàn thiện để tìm ra khả năng lọc tối ưu nhất, trước khi đề xuất các phương án thương mại hóa”, PGS Phạm Thanh Huyền cho biết.

Theo Đời sống
back to top