Hỏi: Không khí ô nhiễm nên tôi thường xuyên tẩy da chết để đảm bảo cho da sạch sẽ, xin hỏi như vậy có đúng không?
Trần Ánh Ly (Hà Nội)
Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo mỹ phẩm Grandpa's Garden: Những ngày này, không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, có lúc chỉ số AQI ở trên mức 300 là mức rất độc hại. Cảm giác chúng ta dễ gặp phải là khó thở, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Chăm sóc da trong những ngày không khí ô nhiễm rất quan trọng. Nhiều người cho rằng tẩy da chết thường xuyên sẽ loại bỏ được các thành phần ô nhiễm có trong không khí bám trên da, tuy nhiên điều này là không đúng.
Nhiều người đang lạm dụng tẩy da chết. Bản chất da của chúng ta tự bong ra được, thông thường chúng ta không cần các loại mỹ phẩm tẩy da chết. Chỉ nên dùng trong 2 trường hợp: Một là khi da sần sùi bong tróc, và 2 là có nhiều bít tắc không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn ẩn không sưng không mủ). Da của chúng ta luôn phải có một lớp tế bào chết ở bên trên cùng. Lớp tế bào chết này rất quan trọng, bởi nó chính là một hàng rào vật lý, không cho khói bụi và các chất độc hại xuyên qua để làm hại đến cơ thể bên trong. Nếu bạn tẩy hết da chết, bắt buộc lớp da ngoài cũng phải là tế bào sống, thì cơ thể của bạn không có một chiếc hàng rào đó nữa. Tế bào sống sẽ tự do trao đổi chất với hóa chất, ô nhiễm và ánh nắng.
Khi không khí ngày càng ô nhiễm, bạn sẽ thấy da chết nhiều hơn, lớp da chết dầy hơn. Đây chính là cách phòng vệ hết sức tự nhiên của cơ thể. Vì thế, sẽ là sai lầm nếu bạn vẫn tích cực tẩy da chết theo phương pháp của những người ở môi trường trong sạch. Điều ấy sẽ khiến lớp da sống (và cả những khu vực dưới da) bị tổn thương nhiều hơn. Nó đi ngược với quá trình thay đổi để thích nghi với môi trường của chúng ta - những người đang sống trong thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Bảo Châu