Văcxin Covid-19 của Việt Nam: Nhanh nhưng phải an toàn

(khoahocdoisong.vn) - Kết quả thử nghiệm trên động vật cho thấy, kháng nguyên của văcxin Covid-19 đáp ứng được miễn dịch, đảm bảo về an toàn và hiệu quả, phòng được virus corona. Đây là cơ sở để chuẩn bị tiêm văcxin Covid-19 trên người.

Kháng nguyên đáp ứng miễn dịch tốt

TS Đỗ Tuấn Đạt, Công ty TNHH một thành viên Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), đơn vị nghiên cứu sản xuất văcxin Covid-19 cho biết, các nhà nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm trên động vật. Kết quả, kháng nguyên của văcxin đáp ứng được miễn dịch. Do SAR-CoV-2 có khả năng biến đổi, tốc độ lây lan mạnh nên để mang lại hiệu quả tối ưu cho văcxin Covid-19 của Việt Nam, các nhà khoa học đã chọn những vùng gene virus biến đổi ít nhất. Vì thế, kháng nguyên trong văcxin sẽ có bản chất di truyền ổn định nhất. Đây chính là nguyên nhân giúp văcxin được ổn định và đảm bảo hiệu quả trong phòng bệnh. Các điều kiện cần thiết để cho tiêm thử trên người đã sẵn sàng.

Ở giai đoạn tiếp theo, văcxin dự tuyển sẽ được phát triển thành văcxin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều. Từ 9 - 12 tháng nữa, Việt Nam sẽ có văcxin đủ tiêu chuẩn để lưu hành. Trong khi thông thường, phải mất từ 3 - 5 năm mới có một dự tuyển có văcxin tốt, mất 5 - 10 năm để hoàn chỉnh có văcxin. Nếu quy mô sản xuất với văcxin thông thường khoảng 3 – 5 triệu liều/năm hoặc nhiều hơn là 20 – 30 triệu liều/năm, nhưng với văcxin Covid-19, mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều. Sản xuất ở quy mô càng lớn thì càng phải đánh giá kỹ về quy trình sản xuất, làm sao để yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu.

“Đốt cháy giai đoạn” nhưng phải an toàn

Ông Đỗ Tuấn Đạt cho hay, bất kỳ một văcxin nào cũng phải trải qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Vừa rồi Nga công bố sản xuất thành công văcxin Covid-19, nhưng do Nga tự công bố và lưu hành, các kết quả nghiên cứu không được công bố về mặt khoa học rõ ràng nên giới khoa học chưa thể đánh giá chính xác về hiệu lực và an toàn của loại văcxin này. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đề nghị phía Nga công bố số liệu và các nghiên cứu liên quan đến loại văcxin này, từ đó mới có cơ sở khẳng định văcxin của Nga có an toàn hay không. Do vậy, đối với văcxin Covid-19 của Việt Nam, hiện đã thử nghiệm trên chuột với 2 liều tiêm có hiệu quả sinh kháng thể cao, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm trên người. Dù các công đoạn đã được rút ngắn tối đa, song để đảm bảo an toàn thì các khâu thử nghiệm phải được đánh giá rất cẩn trọng. Văcxin đòi hỏi tính ổn định, tính hiệu suất cao, chất lượng phải đảm bảo.

Văcxin Covid-19 là loại mới, mỗi quốc gia có những lựa chọn riêng. Trong nghiên cứu về văcxin Covid-19, có thể có khác biệt để lựa chọn được công nghệ ưu thế. Đây cũng là thách thức đối với tất cả các công ty sản xuất.

"Chúng tôi nghiên cứu bám sát với kết quả nghiên cứu trên thế giới để trước khi ra thử nghiệm lâm sàng tiếp theo đưa ra tiêu chí nào cho phù hợp. Chúng ta không đi trước để dẫn đầu mà để đón đầu, xem họ như thế nào để thiết kế vắc xin nào cho phù hợp", ông Đỗ Tuấn Đạt cho biết.

Thế giới có khoảng 163 ứng viên văcxin Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển. Những nỗ lực này chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ. Tại Việt Nam, 4 đơn vị đang nghiên cứu và sản xuất văcxin Covid-19.

Theo Đời sống
back to top