Mưa đá tàn phá hoa màu
Khoảng từ 18h30 đến 19h30 ngày 10/3, trên địa bàn huyện Mộc Châu có mưa kèm theo gió lốc và mưa đá. Mưa đá xuất hiện chủ yếu tại thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Chiềng Hắc, Mường Sang, Đông Sang, đã gây ra một số thiệt hại về nhà ở và sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân. Ước tính, thiệt hại bị ảnh hưởng do mưa đá khoảng 750 triệu đồng. Hậu quả đã làm tốc mái nhà 1 hộ gia đình (tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu); thủng mái tôn 4 hộ gia đình (thị trấn Nông trường Mộc Châu 1 nhà, thị trấn Mộc Châu 1 nhà, xã Đông Sang 2 nhà); đổ gãy một số biển quảng cáo của các hộ dân trên địa bàn 2 thị trấn.Cây ăn quả bị dập thân, gãy cành, rụng quả non như: Mơ, mận hậu, bơ, khoảng 160ha. Trong đó, xã Chiềng Hắc 80ha, xã Đông Sang 30ha, xã Mường Sang 50ha. Mức độ thiệt hại từ 30 - 50%.
Cũng thời điểm này năm 2020, mưa đá xuất hiện cũng gây ra thiệt hại lớn về hoa màu cho các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu (mây đối lưu thường gây ra giông). Hầu hết ở các vùng miền ở nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, miền Bắc lại thường phải chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về kết hợp với gió Tây Nam hội tụ trên cao. Chính sự kết hợp này hình thành nên mưa đá.
Hiện tượng mưa đá cũng thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại (tháng 3, 4, 5, 6 hoặc tháng 8, 9, 10 và 11). Các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở 2 khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây mưa rào và giông, kèm theo mưa đá. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hoặc khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua miền Bắc đã đón một đợt nắng ấm lên đến 27 - 29 độ C, một số thời điểm oi nóng như mùa hè. Vì vậy, khi có tác động của không khí lạnh mang theo hơi ẩm tràn xuống đột ngột, khu vực xảy ra hiện tượng mưa giông, sấm chớp và một số nơi xảy ra mưa đá.
Rất khó dự báo mưa đá
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trong thực tế mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn giông tố mạnh và đi kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Không như bão, lũ lụt hay các thiên tai khác, phòng chống, hạn chế tác hại của mưa đá được thực hiện có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết và nỗ lực của mỗi người dân và gia đình. Với khả năng hiện nay vấn đề dự báo mưa đá, nhất là dự báo chính xác khu vực xảy ra mưa đá trước một khoảng thời gian tương đối là rất khó. Cơ quan Khí tượng Thủy văn mới chỉ có thể dựa vào sự phát triển của các đám mây giông để cảnh báo trước 1 - 2 giờ trước khi mưa đá xảy ra.
Mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm và chỉ giảm dần khi mùa mưa đến, tức là khoảng hết tháng 5. Người dân có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...
Nếu thấy trời nổi giông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi giông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Mọi người cần tìm ngay cho mình chỗ nấp an toàn.
Tốc độ rơi dao động trong khoảng 30 - 60m/s, cá biệt có thể lên tới 90m/s. Với vận tốc như vậy nên khi rơi xuống mặt đất hay các thảm thực vật, mưa đá đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng. Trong cơn giông, mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc, sức tàn phá hết sức khủng khiếp. Ngoài gió rất mạnh ra, bản thân những hòn mưa đá cũng có khi làm đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy, mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.