Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chữa... sâu răng

(khoahocdoisong.vn) - Ý tưởng sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ khám chữa bệnh răng miệng có từ 2015, rất được sự ủng hộ của  WHO để phát triển thành dự án lớn.

Ý tưởng sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ khám chữa bệnh răng miệng có từ 2015, nhưng sau 3 năm nhóm các nhà khoa học do PGS.TS Vũ Mạnh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Răng Hàm Mặt, trường Đại học Y Hà Nội mới đạt được những thành quả nhất định ban đầu. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu này rất được sự ủng hộ của  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để phát triển thành dự án lớn.

Ý tưởng xa vời cho những người... vùng sâu, xa

Chia sẻ về phần mềm chẩn đoán bệnh răng miệng qua ảnh chụp bằng điện thoại di động, có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ, PGS. TS Vũ Mạnh Tuấn nói: Có người bảo ý tưởng này xa vời. Nhưng thực tế, nó rất gần gũi và cần thiết cho người bệnh, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu.

Anh kể, đã gặp hàng nghìn người bệnh chưa bao giờ được tiếp xúc với bác sĩ nha khoa. Hằng ngày, anh tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại của bệnh nhân để hỏi về răng, muốn được thăm khám và tư vấn.

Tỷ lệ mắc bệnh răng miệng của người Việt ở mức cao. Nhưng việc thăm khám không  tiện lợi. Tùy vào bệnh lý, bác sĩ phải thực hiện thêm việc lấy mẫu, chụp ảnh, chụp X-quang, đo đạc các chỉ số để chẩn đoán bệnh một cách chính xác.

PGS. TS Vũ Mạnh Tuấn

“Bác sĩ chuyên môn giỏi đến mức nào trước một bệnh nhân cũng phải mất khoảng 20 - 30 phút cho khám và chẩn đoán bệnh sâu răng và 1 - 2 tiếng cho việc khám, lấy mẫu, đo đạc và phân tích phim X-quang và mẫu để có được chẩn đoán về lệch lạc răng. Vì thế, muốn khám chính  xác cho nhiều bệnh nhân cũng khó. Từ thực tế đó tôi nghĩ, thay vì đến bác sĩ khám, bệnh nhân chỉ cần tải ứng dụng trên điện thoại và chụp hình răng miệng theo đúng quy chuẩn...  Sau vài giây, AI sẽ xử lý, cho ra kết quả chính xác”.

“Tết năm 2015 tôi nảy ra ý tưởng này nhưng thời điểm đó không ai gọi là công nghệ 4.0. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh rất cao, các phân tích về chỉ số răng miệng này máy tính đều có thể thực hiện một cách tự động nếu ta cung cấp dữ liệu đầu vào chuẩn. Mãi đến sau này, người ta mới gọi là 4.0. Nhưng đó thực sự là tự động hóa, kết nối vạn vật với internet để có thể xử lý được”, PGS.TS Vũ Mạnh Tuấn chia sẻ.

WHO quan tâm và mong muốn phát triển

PGS.TS Vũ Mạnh Tuấn cho hay, từ ý tưởng có trong đầu đến khi bắt tay vào viết ứng dụng là một quãng đường dài và gian nan. Bản thân anh phải giải rất nhiều bài toán về việc xây dựng ý tưởng này sao cho phù hợp, sau đó viết các nội dung chính của quy trình, chỉ số để máy tính “học”, “đo” được mức độ sâu răng, kích thước răng và cung răng qua hàng nghìn bức ảnh chụp từ bệnh nhân.

Giai đoạn đầu, anh kết hợp cùng một bạn người Việt làm mảng công nghệ thông tin tại  Viện Công nghệ A*STAR  Singapore để viết app. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhóm nhận thấy cần thực hiện từng bước thật vững chắc, muốn máy học được cần có dữ liệu chuẩn và thông số chuẩn để máy có thể tự học... Vì vậy, nhóm đã quyết định làm app chụp ảnh răng miệng trước. App chụp ảnh được xem là tiêu chuẩn đầu tiên để có những bức ảnh chuẩn xác không phụ thuộc người chụp, giúp các phần mềm có dữ liệu chuẩn để học sâu, trên cơ sở đó đưa ra phân tích chẩn đoán chính xác về bệnh lý răng miệng.

Để kiểm chứng, nhóm đã so sánh kết quả khám lâm sàng và kết quả chẩn đoán qua ảnh chụp răng miệng qua app HMU - Nextsol, nghiên cứu được thực hiện trên cùng một nhóm 326 bệnh nhân bởi hai nhóm nghiên cứu viên độc lập. Kết quả cho thấy, nhóm chẩn đoán qua ảnh đạt tỉ lệ chính xác cao hơn khám bằng mắt thường. Bởi khi nhìn qua ảnh, không chỉ giúp người xem tập trung, còn có thể phóng to quan sát kỹ vì vậy tránh bỏ sót tổn thương.

Hiện nay, app HMU – Nextsol (do nhóm tại Việt Nam làm) đã sử dụng được trên hệ điều hành Android, các máy điện thoại có thể tải về dùng miễn phí. Hệ điều hành IOS hiện nhóm đang trong quá trình xin đổi tên app cho phù hợp.

Anh cũng cho hay, trước đây ý tưởng nghiên cứu này nhóm đã đăng ký làm đề tài cấp Bộ Y tế nhưng chưa đủ thuyết phục để được phê duyệt. Tuy nhiên, may mắn là nhóm vẫn đủ tiềm lực và động lực để tiếp tục theo đuổi nghiên cứu.

“Năm 2017, BS Dương Đức Long, thành viên của trung tâm nghiên cứu đã sử dụng ý tưởng này làm luận văn tiến sĩ tại Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi trao đổi cùng người phụ trách răng miệng của Tổ chức Y tế Thế giới, ngài ấy đã yêu cầu thực hiện đề tài này thành dự án của WHO”.

“Cũng trong giai đoạn này, tôi gặp được các chuyên gia công nghệ thông tin trong nước. Như duyên đã định, những người cùng chung ý tưởng về công nghệ tự tìm đến với nhau. Tất cả đều mong muốn làm được điều gì đó có ích cho người dân và đưa thương hiệu Việt ra thế giới.  Vì thế, hiện tại với dự án này những khó khăn dần được giải quyết. Việc viết code và xây dựng app đang từng bước hoàn thành với sự tham gia của khoảng 10 người trong các lĩnh vực khác nhau”.

Muốn đủ ăn cần... vác xẻng đi làm!

PGS.TS Vũ Mạnh Tuấn cũng chia sẻ, có những giai đoạn, khó khăn nhất trong việc xây dựng chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh răng miệng chính là... tiền.

Thậm chí, năm 2016 khi nhóm hợp tác với A*STAR  Singapore đã hoàn thiện app thử nghiệm, viết bài báo khoa học gửi đăng trên tạp chí nước ngoài. Khi đã được duyệt nhưng vì kinh phí đăng bài lên đến 2.000USD, tiếc tiền nên anh đành bỏ. Đã nhiều đêm anh mất ngủ để trả lời câu hỏi: Có dữ liệu rồi, lấy tiền đâu để thuê viết code chuyên sâu. Ngay cả viết app cho điện thoại để chụp ra các bức ảnh răng miệng chuẩn hóa giống nhau cũng đã mất 200 triệu đồng...

Nhưng khi gặp những chuyên gia công nghệ thông tin trong nước từ Đại học Quốc gia, Công ty Công nghệ Nextsol, hiện nay là những người bạn đồng hành, vấn đề mới được giải tỏa. Tất cả cùng nhau góp công, góp tiền để từng bước hoàn thiện nghiên cứu.

“Chúng tôi ai cũng có việc riêng nên tranh thủ làm ngoài giờ. Tôi có một nguồn kinh phí nhỏ từ những buổi khám răng miệng khi làm thêm cũng góp vào."

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên về việc, khi app hoàn thành, chắc chắn đây sẽ là nguồn thu lớn? PGS.TS Vũ Mạnh Tuấn lấy câu chuyện anh hay chia sẻ với sinh viên rằng: Việc làm giàu phụ thuộc vào mức đóng góp cho xã hội. Nếu muốn đủ ăn, chỉ cần đi làm công ăn lương. Muốn làm triệu phú, khả năng phục vụ phải đáp ứng được cho dân số của một phường; Lên tỷ phú phải phục vụ và đưa lại lợi ích cho dân số của một huyện. Nếu phục vụ cho cả cộng đồng người Việt, chắc chắn bạn sẽ là triệu phú đô la. Tỷ phú đô la bạn cần vượt ra mức toàn cầu.

Nhưng với anh, niềm vui lớn nhất khi app này hoàn thành chính là thành tựu những gì người Việt Nam làm được, mang đến những lợi ích cho người dùng. Đặc biệt, đây là tiền đề để anh cùng những người bạn tiến đến các app tiếp theo trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh răng miệng khác, để đảm bảo sự kết nối toàn diện hơn cho người bệnh trong điều trị.        

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
Bluetooth 6.0 ra mắt có gì mới?

Bluetooth 6.0 ra mắt có gì mới?

Mới đây, tại sự kiện IFA 2024, Bluetooth Special Interest Group đã tạo ra dấu ấn riêng khi giới thiệu kết nối Bluetooth 6.0- một tiêu chuẩn mới giúp thay đổi thiết bị giao tiếp.
back to top