Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép định vị vệ tinh, giúp học sinh cập nhật vị trí, gửi thông tin về cho phụ huynh giám sát, tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Cảnh báo ngay khi có sự cố
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (Trung tâm NAVIS), Đại học Bách khoa Hà Nội vừa nghiên cứu thành công hệ thống Navimos nhằm hỗ trợ các trường học có dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Hệ thống này ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ định vị vệ tinh để giám sát trẻ trong suốt hành trình từ lúc lên xe đến lúc vào trường và ngược lại.
PGS Lã Thế Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm NAVIS, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hệ thống cũng hỗ trợ giám sát an toàn của các em học sinh trong quá trình từ lúc đợi xe, lên xe, xuống xe, vào trường và ngược lại. Phụ huynh được cập nhật theo thời gian thực thời điểm con lên và xuống xe, cũng như nhắc trước khi xe đi, đến và con đã vào lớp học hay chưa. Nếu trong trường hợp có cháu bé bị bỏ quên trên xe hay tại điểm đón, xe đi lệch lộ trình, dừng/đỗ không đúng vị trí, trả học sinh sai điểm đón, người đón không phải là người đã được đăng ký trên hệ thống, hay người giám sát quên không điểm danh... được cho là tình huống bất thường đều được ghi nhận và gửi cảnh báo về phòng điều hành của cơ sở đào tạo.
Để sử dụng, phụ huynh chỉ cần tải ứng dụng về máy điện thoại. Hệ thống phần mềm máy chủ sẽ liên kết giống như một tài khoản hiện thời gian thực. Hệ thống gốm phần cứng camera AI kèm thiết bị giám sát hành trình, phần mềm máy chủ, sẽ cung cấp các thông tin qua tài khoản đăng ký. Cha mẹ cung cấp hình ảnh của con và người đưa đón để hệ thống AI nhận dạng khi vận hành. Trường tiếp nhận yêu cầu, sử dụng tính năng để lên lộ trình đưa đón học sinh của toàn trường, phân xe cho người giám sát và giao thẻ thông minh cho học sinh.
Mỗi học sinh lên xe, nhân viên phụ trách sẽ bấm vào tên em đó để xác nhận. Thông tin này cũng đồng thời được chuyển về cho phần mềm quản lý được cài đặt trên điện thoại của phụ huynh. Họ sẽ lập tức biết được con mình đã được đón lên xe hay chưa.
Chưa điểm danh hết, không thể kết thúc hành trình
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống này cũng giúp việc phân tuyến tự động được nhanh chóng, tối ưu với hàng chục ràng buộc đến từ phụ huynh và nhà trường. Hệ thống cũng sẽ học từ các lần chỉnh sửa, tối ưu hóa theo lịch sử giao thông trên tuyến điều chuyển. Hệ thống được xây dựng với quy trình điểm danh chặt chẽ. Khi quan sát tất cả học sinh đã xuống xe hết, nhân viên phụ trách 'tick' đủ vào tên các em trên hệ thống điểm danh thì mới bấm được nút kết thúc tuyến đón, tuyến trả, phản hồi lên hệ thống của nhà trường nhằm kết thúc nhiệm vụ được giao trong buổi đưa đón... Nếu các thông số này chưa được điền đầy đủ nghĩa là chuyến đón, trả học sinh chưa thể bấm nút kết thúc.
PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa cho biết, khác biệt nhất của hệ thống là sử dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, chỉ cần một nhân viên, trong thời gian từ 1-2 giờ có thể phân tuyến toàn bộ cho việc đưa đón tới 4.000 học sinh với 200 điểm đón. Các yêu cầu giám sát chặt chẽ được đặt ra trong quy trình bảo đảm an toàn tối đa, ngăn chặn những sự việc đau lòng như bỏ quên học sinh trong xe đưa đón. Hiện tại Hà Nội có hơn 30.000 học sinh được tham gia trong hệ thống này.
Hệ thống phần mềm này được nhóm nghiên cứu đã lâu, mới đây mới hoàn thiện. Nhóm có thể cung cấp các gói giải pháp phù hợp với các cơ sở đào tạo ở các quy mô khác nhau. Chi phí đầu tư ban đầu không lớn, song tiết kiệm được rất nhiều nhân lực cũng như quy trình quản lý, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho trẻ trong quá trình di chuyển đến trường và về nhà.
Tấm thẻ thông minh được phát cho mỗi học sinh sử dụng công nghệ IoT chỉ nhỏ như dây đeo chìa khóa, có tuổi thọ pin từ 2-3 năm, sẽ giúp khắc phục được hạn chế phải sạc pin hằng ngày của các thiết bị định vị khác hiện nay như đồng hồ, điện thoại...