Hai bệnh viện phối hợp cắt khối tá tụy
Nhờ chương trình bệnh viện vệ tinh, với sự trợ giúp của các chuyên gia Bệnh viện K T.Ư, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thành công khối tá tụy cho bệnh nhân bị u bóng vater.
Bệnh nhân Sùng. D. T. (40 tuổi, Hà Giang) vào viện vì đau bụng, nôn sau ăn. Bệnh nhân xuất hiện đau bụng, ăn chậm tiêu đã nhiều tháng, 1 tháng trước vào viện bệnh nhân đau tăng, ăn không tiêu, ăn gì nôn đấy, gầy, sút cân. Kết quả thăm khám, điều trị và hội chẩn kết luận: U đầu tụy gây hẹp tá tràng, không ăn uống được do tắc.
Các bác sĩ Khoa Ung bướu đã phối hợp với chuyên gia Bệnh viện K T.Ư tiến hành phẫu thuật thành công cắt khối tá tuỵ - bảo tồn môn vị (DPC) cho bệnh nhân.
BS Hứa Văn Đức, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho biết, phẫu thuật cắt khối tá tụy (DPC) là một phẫu thuật được xếp vào loại phẫu thuật lớn, khó và nhiều biến chứng. Các phẫu thuật viên phải can thiệp vào vùng có cấu trúc giải phẫu phức tạp, có nhiều mạch máu lớn và các tạng quan trọng của cơ thể. Ở bệnh nhân này, kíp phẫu thuật đã cắt khối tá tụy – tá tràng, đầu tụy và túi mật, nối tụy + ống mật + tá tràng vào quai ruột...
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5h đã diễn ra thành công. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến ổn định, ăn uống dần trở lại bình thường, xuất viện sau 14 ngày điều trị. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư bóng vater, xâm lấn vào đầu tụy và tá tràng, hạch và diện cắt không có tế bào ung thư. Hiện bệnh nhân tiếp tục được truyền hóa chất.
Dễ tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm
BS Hứa Văn Đức phân tích, bóng vater nằm ở đoạn D2 của tá tràng (đoạn đầu tiên của ruột non) là nơi dịch mật và dịch tụy đổ vào, trước khi được đưa xuống tá tràng. Khi bóng vater bị bít tắc do tổ chức ung thư, dịch mật và dịch tụy không đổ vào ruột non được, ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa thức ăn, làm cho người bệnh đau bụng, khó tiêu, chán ăn, gầy sút, tắc mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, hẹp tá tràng… Ung thư bóng vanter là một trong những bệnh lý ít gặp và dễ chẩn đoán nhầm do có những triệu chứng giống một số bệnh lý đường tiêu hoá khác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ dần suy kiệt và tử vong. Hiện nay, phẫu thuật DPC vẫn là phương pháp điều trị chính với những bệnh nhân ung thư vùng tá tụy, tuy nhiên bệnh nhân cần được phát hiện sớm ở giai đoạn có thể phẫu thuật được. Bệnh nhân nhập viện muộn, tiên lượng bệnh rất kém, chỉ khoảng 4 - 5% sống trên 5 năm.
Theo BS Hứa Văn Đức, để chẩn đoán xác định bệnh lý này, các bác sĩ phải căn cứ vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như siêu âm, CT scan, nội soi, sinh thiết qua nội soi. Triệu chứng của bệnh này là vàng da tăng dần, sụt cân, đau bụng (thường là đau âm ỉ thượng vị hoặc đau lâm râm ở nửa bụng phải), đau lưng và ngứa. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng khó tiêu và nôn mửa (đây là triệu chứng cho thấy tổ chức ung thư đã ăn lan làm hẹp lòng tá tràng và làm tắc đường thoát của dạ dày), chán ăn, sụt cân, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa hoặc viêm tụy cấp.
Đến nay, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này vẫn chưa được xác định rõ. Thông thường, người bệnh khi đến khám với hội chứng tắc mật và những biến chứng do hội chứng tắc mật gây ra như: khó tiêu, sụt cân, nhiễm trùng. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn tiến triển (giai đoạn 2). Để tránh chuyển sang giai đoạn di căn, khi có dấu hiệu vàng da, ăn uống kém, sụt cân… người bệnh cần đi khám ngay, khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mọi người nên ăn chín, uống sôi, ăn nhiều trái cây, không nên hút thuốc lá và uống bia, rượu để phòng căn bệnh này.