Hình minh họa.
Nhiệm tử và ấm sung
Nhiệm tử là phương thức tuyển dụng con cháu của quý tộc công thần và quan chức dựa trên ân trạch của ông cha. Đây là phương thức tuyển dụng quan chức chủ yếu thời Lý – Trần.
Tuy nhiên thủ tục và đối tượng tuyển dụng không được ghi chép rõ ràng trong chính sử. Theo “Đại Việt sử kí toàn thư”, đối tượng được hưởng lệ nhiệm tử khá rộng bao gồm con cháu những người đã được nhà nước phong quan tước.
Thông qua lệ nhiệm tử, các chức vụ trong chính quyền trung ương và địa phương được trao cho người trong hoàng tộc. Lệ nhiệm tử thời Hậu Lê và thời Nguyễn được quy định chặt chẽ về đối tượng, thể lệ và phạm vi tuyển dụng và được gọi là lệ Ấm sung.
Tùy từng giai đoạn và từng triều đại, đối tượng được hưởng lệ Ấm sung rộng hẹp khác nhau. Thời Lê, là các con và cháu trưởng các tước công, hầu, bá; con trai của các quan nhất nhị phẩm và con trưởng các quan từ tam phẩm tới bát phẩm.
Thời Nguyễn được thu hẹp đáng kể về phạm vi, chỉ còn con của các quan có hàm từ tứ phẩm trở lên. Để được tuyển dụng vào các chức vụ nhà nước với phẩm hàm không cao, các đối tượng được hưởng lệ Ấm sung buộc phải sung vào ngạch Nho sinh để học tập, cứ ba năm nhà nước sẽ tổ chức khảo hạch một lần.
Chức vụ và phẩm hàm của đối tượng được ấm sung lệ thuộc vào kết quả thi khảo hạch và dựa trên tước phẩm của ông cha.
Khảo thi và khảo khóa
Các triều Lý, Trần, việc thăng giáng chức thường chỉ thực hiện khi có công hoặc tội bị phát giác. Nhưng đến triều Lê Thánh Tông, nhà vua cho thực hiện chế độ khảo thi và khảo khóa để định kỳ sát hạch quan lại cả trình độ và tác phong làm việc.
Với quan văn thì thi giải kinh nghĩa các kinh sách Nho giáo, thi làm thơ và trả lời câu hỏi của vua về đạo trị nước. Quan võ thì thi bắn cung, đua ngựa, đấu khiên, đấu gươm, đấu vật, bày trận. Còn khảo khóa là nhận xét, đánh giá năng lực và kết quả công việc của mỗi vị quan.
Khảo thi và khảo khóa được tiến hành với cả “con ông cháu cha” vốn tiến thân từ con đường tập ấm. Như vậy biện pháp khảo khóa cũng góp phần sửa chữa các hạn chế của chế độ tập ấm. Nó đòi hỏi “con ông cháu cha” phải có một trình độ nhất định, làm được việc, nếu không cũng sẽ bị sa thải.
Thông qua khảo khóa, nhà vua và triều đình sẽ quyết định việc thăng giáng hoặc cách chức quan lại. Năm 1478, vua Thánh Tông nói rõ các quan viên nếu “hèn kém, đần độn, bỉ ổi, không làm nổi việc thì đều bắt phải nghỉ việc và chọn người có tài năng, kiến thức, quen thạo công việc mà bổ vào thay”.
Năm 1488, vua Lê Thánh Tông chính thức quy định quy trình khảo khóa: “Ba năm tiến hành một lần sơ khảo, sáu năm tái khảo và chín năm thông khảo mới thi hành thăng chức người có công và truất chức kẻ có tội”.
Nội dung và cách thức khảo khóa cũng được quy định là: “Trưởng quan các nha môn trong ngoài khi khảo khoá các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kỹ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm.
Nếu quả có lòng chăm nom, yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh thì mới xứng chức.
Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì không xứng chức”. Nhờ những biện pháp mạnh đó, triều Lê Thánh Tông là triều đại cực thịnh thời phong kiến Việt Nam.
Chúng ta học được gì qua nghiên cứu việc tuyển chọn và kiểm soát quan chức của tiền nhân.
TS Nguyễn Thành Hữu