Tuyển chọn quan chức thời phong kiến – Kỳ 2: Tiến cử và bảo cử

Tiến cử và bảo cử là con đường thứ hai vào quan trường thông qua giới thiệu, đề nghị của các quan chức cao cấp trong triều đình.

Hình minh họa.

Không tiến cử được người tài bị phạt

Chế độ tiến cử và bảo cử thực chất tương tự như nhau chỉ khác chút ít về hình thức. Người tiến cử hoặc bảo cử phải là một vị quan đương nhiệm, còn người được tiến cử hoặc bảo cử thì có thể đang là quan hoặc chưa là quan.

Nếu đang là quan thì thường được giới thiệu vào những vị trí cao hơn hoặc việc quan trọng đang khuyết người làm, còn là dân thường thì phải là người có thực tài, có đạo đức chói sáng và khi được tiến cử lên, bộ Lại và nhà vua sẽ xem xét tùy tài mà sử dụng.

Đến thời Lê Thánh Tông, việc tiến cử hay bảo cử được quản lý chặt chẽ bằng luật. Điều 174 Quốc triều hình luật quy định: những người làm nhiệm vụ cử người, mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ, nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì bị xử nặng thêm hai bậc.

Phép tiến cử và bảo cử được áp dụng khá nhiều dưới thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Phép bảo cử thường áp dụng khi lựa chọn quan chức ở các cơ quan quản lí việc quân, việc dân ở địa phương như quan huyện, quan thừa ty, quan tổng binh hoặc các cơ quan có chức năng kiểm tra giám sát như quan Hình bộ, quan Hiến ty.

Đối tượng được bảo cử là những người đang làm quan có uy tín và tài năng.

Tiến cử người hiền là việc lớn của chính trị

Phép tiến cử thường được áp dụng đối với những người có tài năng và đức hạnh nhưng chưa từng làm quan.

Tiến cử và bảo cử giúp nhà vua lựa chọn được các quan chức thực tài bởi thủ tục được quy định khá chặt chẽ là phải được giới thiệu bởi các quan chức nhà nước; trước khi bổ nhiệm phải qua kỳ sát cử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người tiến cử phải chịu trách nhiệm về tư cách và năng lực của người mà mình tiến cử.

Các chế độ này quy định, đã là các quan lại có vị trí cao trong triều đình, ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng.

Điều này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vào năm Cảnh Thống thứ nhất 1498:

“Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, đó là việc lớn của chính trị. Cho nên, dùng người tài không lưỡng lự, bỏ kẻ gian không chần chừ…

Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung thực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực, kê tên tâu lên.

Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha”.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, việc giới thiệu người làm quan có hai cách: một là, tiến cử thì lấy người tài, đức hơn hẳn mà không cứ thân phận; hai là, bảo cử thì lấy người danh vọng rạng rệt mà phải theo tư cách.

Hai lối ấy giống nhau mà thể thức hơi khác. Lệ bảo cử có từ thời Hồng Đức, bấy giờ việc ấy làm thận trọng, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rút cục thu được hiệu quả là chọn được người hiền tài.

Như vậy, chế độ tiến cử là cách tuyển chọn nhân tài từ trong dân gian, không căn cứ vào thân phận hay địa vị xã hội.

Chế độ này cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ) được giữ một chức quan nào đó.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top