Bỏng nghiêm trọng vì uống nhầm nước tẩy bồn cầu
Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng cho biết đang điều trị cho một bệnh nhi 2 tuổi bị bỏng nặng do hóa chất.
Theo đó, ngày 12/8, bé nhập viện trong trường hợp bị bỏng nặng do hoá chất, tổn thương da nghiêm trọng.
Theo người nhà cho biết, bé tưởng chai nước ngọt nên uống nhầm Nước Tẩy Bồn Cầu. Đây là loại dung dịch có tính acid hay kiềm tùy theo hãng sản xuất, có tính ăn mòn cực mạnh (mạnh đến mức bố bé chỉ bồng bé, tiếp xúc với da bé qua lớp áo mà cũng bị bỏng theo).
Do vậy khi tiếp xúc da sẽ gây ra hiện tượng bỏng lan tỏa, rất đau đớn và nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu uống nhầm hoặc hít vào đường hô hấp.
BS Trần Long Quân, phó khoa nhi cấp cứu - hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng, cho biết cháu bé bị tổn thương chủ yếu trên da và vùng miệng. Rất may, không ghi nhận tổn thương thực quản và dạ dày.
"Hiện trường hợp bỏng hóa chất của cháu đang được theo dõi sát, chúng tôi đang điều trị chăm sóc tích cực" - bác sĩ Quân nói.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng khuyến cáo chất tẩy rửa bồn cầu là loại dung dịch có tính a xít hay kiềm (tùy theo hãng sản xuất) nên có tính ăn mòn cực mạnh.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng cảnh báo các gia đình có con nhỏ nên để các loại sản phẩm từ hóa chất như: nước thông cống, nước tẩy bồn cầu... xa tầm tay trẻ. Người lớn khi sử dụng cũng phải vô cùng cẩn thận. Còn lỡ không may ai đó bị dính vào người: Ngay lập tức xối bằng nước lạnh và đưa ngay đến Bệnh Viện.
Tưởng chai nước ngọt bé 2 tuổi uống phải nước tẩy bồn cầu bỏng nặng |
Bỏng hóa chất nguy hiểm hơn các loại bỏng khác
BSCKII- Phùng Công Sáng – Phó trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị Bỏng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bỏng hóa chất có những đặc thù khác với bỏng do các nguyên nhân khác là sau khi phát hiện bỏng cần cố gắng loại bỏ hóa chất dính trên cơ thể bằng rửa nước và trung hòa hóa chất (nếu có thể: đủ kiến thức và phương tiện) để tổn thương bỏng không tiếp tục diễn tiến nặng và tổn thương sâu hơn nữa.
Bác sĩ CKII- Phùng Công Sáng cho biết, bỏng hóa chất là tình trạng bỏng khá đặc biệt, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các loại hóa chất như axit hoặc bazơ. Bỏng hóa chất có thể gây ra các phản ứng trên da hoặc trong cơ thể nạn nhân, làm tổn thương các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.
Đối với hóa chất tẩy dầu mỡ là những hợp chất có chứa các thành phần hóa học có tính kiềm, có tác dụng bóc tách các vết dầu mỡ bám trên bề mặt. Các thành phần có trong chất tẩy rửa dầu mỡ rất đa dạng và được tạo ra từ các chất vô cơ, hữu cơ…
Mặc dù có hiệu quả nhanh chóng và dễ dàng sử dụng, các loại chất tẩy rửa hóa học vẫn có thể gây bỏng đặc biệt với trẻ em. Hàng năm bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng hoặc uống nhầm hoá chất, các tai nạn thường gặp trong gia đình…
BS Sáng khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp tai nạn. Để phòng tránh các tai nạn bỏng do hóa chất cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần:
- Để hóa chất xa tầm tay trẻ em.
- Bảo quản hóa chất trong các bình chứa phù hợp và an toàn sau khi sử dụng.
- Sử dụng hóa chất trong phòng thoáng khí.
- Hóa chất phải được giữ trong đúng bình chứa và có ghi nhãn rõ ràng bên ngoài.
- Nếu có thể nên tránh sử dụng hóa chất.
- Không nên trộn lẫn các loại hóa chất với nhau.
Sơ cứu bỏng hóa chất, 6 bước nhất định phải nhớ
Bác sĩ Sáng cho hay, việc sơ cứu khi trẻ bị hóa chất văng vào người cũng vô cùng quan trọng. Bỏng hoá chất có khả năng gây ra các tổn thương bỏng nặng và làm cho nạn nhân vô cùng đau đớn. Nếu không được xử lý kịp thời, vết bỏng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Ngay sau khi bị bỏng hóa chất, trẻ cần được tiến hành sơ cấp cứu bỏng ngay lập tức theo các bước sau:
- Bước 1: Nhanh chóng tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng
- Bước 2: Cởi bỏ quần áo, giày dép hoặc đồ trang sức có tiếp xúc với hóa chất
- Bước 3: Rửa sạch vùng da bị bỏng dưới nước vòi nước mát ít nhất 10 – 20 phút. Đối với hóa chất khô, dạng bột cần lau sạch hóa chất trước khi rửa da dưới vòi nước – cần mang găng tay hoặc dùng vật dụng thích hợp khi thực hiện. Nếu hóa chất tiếp xúc với mắt, hãy rửa mắt liên tục trong nước ít nhất 20 phút trước khi đến bệnh viện, tiếp tục duy trì rửa trên đường đến viện
- Bước 4: Băng vết bỏng bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng (không có dính bông mịn). Chỉ cần quấn nhẹ, không siết chặt để tránh gây tổn thương thêm.
- Bước 5: Bù nước và điện giải cho nạn nhân sau khi bị bỏng.
- Bước 6: Nếu vết bỏng nặng, sau khi sơ cứu bỏng hóa chất cần chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.