Tưởng bị bại liệt hóa ra giun xoắn

(khoahocdoisong.vn) - Ấu trùng giun xoắn ký sinh trong cơ gây co rút và nhiễm độc, người bệnh sốt, đau cơ, đi lại khó khăn, nuốt khó, phù nề...dễ bị chẩn đoán nhầm. Khi có biến chứng suy hô hấp, suy tim, viêm phổi... người bệnh rất dễ tử vong.

Biến chứng nguy hiểm

Bệnh giun xoắn là tình trạng nhiễm một loại giun tròn (thuộc giống Trichinella), sống ký sinh trong ruột của lợn và các loại động vật khác. Khi ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn và chưa nấu chín, ấu trùng sẽ di chuyển vào ruột và tiếp tục quá trình phát triển thành giun trưởng thành trong một vài tuần. Giun xoắn chủ yếu sống trong ruột non.

Trong cơ thể người, giun xoắn phát triển theo ba giai đoạn. Thời kỳ đầu, giun xoắn cư ngụ ở ruột làm bệnh nhân bị viêm ruột nặng, đại tiện lỏng như tả, nôn, đau bụng, sốt 39 - 40oC. Một tuần sau, giun xoắn sinh sản ra các ấu trùng mới. Những ấu trùng này từ niêm mạc ruột non xâm nhập vào máu, hạch bạch huyết, len lỏi đến cơ gây co cơ và nhiễm độc, làm cho bệnh nhân sốt cao, hôn mê, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần lễ thứ ba, ấu trùng bắt đầu hình thành kén và thải độc tố vào trong các cơ khiến bệnh nhân đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được. Các biến chứng thường gặp của bệnh giun xoắn bao gồm suy hô hấp, viêm phổi, suy tim sung huyết, tổn thương thận, tim và não.

Với thể trung bình, bệnh kéo dài 3 - 4 tuần, có khi 2 - 3 tháng. Bệnh nhân thường tử vong vào tuần thứ hai và tuần thứ bảy tùy mức độ nhiễm. Phần lớn tử vong do suy nhược cực độ, kèm theo biến chứng phổi và loét da. Những người được điều trị qua khỏi vẫn còn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.

Dễ chẩn đoán nhầm

Khi ấu trùng giun xoắn từ ống tiêu hoá thâm nhập vào tổ chức cơ của người, chúng thường cuộn lại thành nang, trong mỗi nang có thể có 1 - 3 ấu trùng. Vào tới dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén, sau 1 - 2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4 - 5 và kéo dài từ 10 - 30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim, phổi rồi tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi… phát triển thành kén. Kén giun xoắn có khả năng tồn tại trong mô cơ khoảng 20 năm và vẫn giữ được khả năng gây nhiễm. Khi bị bệnh nó gây nhiễm độc, gây viêm dị ứng các mao mạch, gây hoại tử cơ và thiếu oxy tổ chức.

Chẩn đoán nhiễm giun xoắn không khó. Song nhiều bệnh nhân bị phát hiện quá muộn, thậm chí bị chẩn đoán nhầm thành bại liệt, thương hàn, nhiễm khuẩn cấp tính không rõ nguồn gốc. Vì vậy, khi có biểu hiệnphù mí mắt, phù cả đầu hay xuống chi hoặc phù toàn thân; đau có khi vận động, thở ho, nhai nuốt...; sốt và chảy máu đường ruột... phải được xét nghiệm tìm kháng thể bằng phương pháp huyết thanh miễn dịch như sinh thiết cơ tìm ấu trùng soi trực tiếp hoặc tiêu cơ; xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu ái toan (đây là yếu tố quan trọng trong chẩn đoán, bạch cầu ái toán thường tăng 15 – 30%, có khi tới 50 – 60%, thậm chí tới 90%); xét nghiệm phân tìm giun xoắn trưởng thành hoặc ấu trùng; Xét nghiệm máu, dịch não tủy, sữa tìm ấu trùng; Phản ứng miễn dịch rất có giá trị trong chản đoán. ...

Khi bị nhiễm bệnh cần điều trị sớm bằng thuốc đặc hiệu. Tỷ lệ tử vong khoảng từ 6 – 30%, có trường hợp tử vong trong vòng 1 - 2 tuần.

Để phòng tránh căn bệnh này, người dân cần tuyệt đối tránh các món ăn từ động vật chưa được chế biến chín, nhất là các món như: Nem sống làm từ thịt lợn, thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, tiết canh lợn… Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán… là những động vật được nuôi thả rông, dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường và truyền sang người.

Theo Đời sống
back to top