Đảm bảo công nghệ để đóng gói, sản xuất
Bộ Y tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đang tích cực để triển khai chuyển giao công nghệ sản xuất văcxin Covid-19 từ nước ngoài. Hiện, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất văcxin phòng Covid-19.
VABIOTECH vừa ký thỏa thuận với quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống văcxin Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty VABIOTECH cho biết, hiện nay công ty đã đang thử nghiệm đóng gói trong 1 tháng, sau đó gửi hồ sơ sang để họ thẩm định và đánh giá. Quá trình thẩm định này cũng được phía Nga thẩm định một cách độc lập. Khi quy trình đã được thẩm định xong, hai bên thống nhất thì mới thực hiện bước tiếp theo là đóng gói gia công chính thức.
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, việc đóng gói văcxin này cũng giống việc đóng gói chung các loại văcxin khác, Việt Nam có đủ công nghệ, trang thiết bị để làm được. Về vấn đề sản xuất thì liên quan đến máy móc, trang thiết bị, và nhà xưởng... Hiện Việt Nam đã chuẩn bị trên cơ sở vật chất của mình và đang đầu tư mua sắm thêm một số máy móc để đáp ứng quy trình sản xuất. Việc đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất hay không phụ thuộc vào sự đánh giá ở phía bạn đã đạt đủ yêu cầu chưa thì khi đó sẽ bắt đầu sản xuất.
Ông Đỗ Tuấn Đạt đánh giá, hợp tác về gia công trong thời điểm này là rất cần thiết để Việt Nam chủ động về công nghệ và nguồn hàng cho Việt Nam. Từ việc đóng gói thành phẩm sẽ tiến tới các công đoạn khác để hợp tác tác sản xuất. Hiện tại, với kinh nghiệm và công nghệ sản xuất văcxin của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được quá trình sản xuất văcxin Covid-19 từ phía bạn.
|
Ông Đỗ Tuấn Đạt cho biết thêm: "VABIOTECH chỉ đảm trách phần gia công nên toàn bộ số văcxin thành phẩm sẽ do phía Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối. Hai bên vẫn chưa có thỏa thuận chính thức".
Văcxin Sputnik V của Nga là loại văcxin thứ 2 được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép khẩn cấp văcxin ngừa Covid-19 cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch, sau AstraZeneca.
Sputnik V là một trong 3 văcxin có hiệu quả bảo vệ tốt nhất thế giới, bên cạnh Moderna và Pfizer. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên Tạp chí The Lancet, Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,6%. Đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Tháng 3/2021, Liên bang Nga đã gửi tặng Việt Nam 1.000 nhiều văcxin Sputnik V đầu tiên. Chiều 2/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc cùng đại diện Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (đơn vị đầu tư nghiên cứu và sản xuất văcxin Sputnik V). Kết quả, quốc gia này đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều văcxin Sputnik V trong năm 2021.
Bên cạnh đó, VABIOTECH đang tích cực đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất văcxin Covid-19 nhanh chóng cung ứng cho Việt Nam.
Sản xuất văcxin Covid-19 1 liều của Mỹ từ quý IV
Ngoài ra, một doanh nghiệp của một doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất văcxin mRNA.
Tiêm văcxin Covid-19 cho các bác sĩ Bệnh viện E. |
Nhà máy do một doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100 - 200 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Ngoài ra, Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) đã hỗ trợ liên hệ với Công ty sản xuất văcxin của Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến.
Ngày 15/6 ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo Nhật sẽ tặng Việt Nam 1 triệu liều văcxin Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) được cấp phép sản xuất tại Nhật Bản theo lời đề nghị từ phía Việt Nam. Số văcxin này sẽ được chuyển đến Việt Nam vào ngày 16/6.
Thông điệp này đã được Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Yamada chuyển tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 15/6. Ngoài ra, Đại sứ Yamada cũng cho biết, các hiệp hội và 36 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã quyên góp 39,2 tỷ đồng cho Quỹ Văcxin phòng chống Covid-19 của Việt Nam và sẽ tiếp tục đóng góp thêm.