Tự “khám bệnh” cho điều hòa

(khoahocdoisong.vn) - Người dân hoàn toàn có thể tự kiểm tra tình trạng của máy điều hòa để tránh bị thợ “bắt chẹt” khi bảo dưỡng.

Những nguyên nhân điều hòa kém lạnh

Chuẩn bị vào mùa nóng, nhiều hộ gia đình mời thợ đến vệ sinh, bảo dưỡng kiểm tra lại máy điều hòa. Công việc gồm vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh, kiểm tra rò rỉ điện, điềukhiển từ xa, quạt gió dàn nóng, lạnh, cơ chế đảo gió, máng và ống thoát nước ngưng… Và cuối cùng là sự làm việc chuẩn của cả hệ thống máy, đảm bảo độ lạnh. Khi có cảm giác kém lạnh, thợ thường nói là thiếu gas và cần nạp bổ  sung. 

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân kém lạnh khác nhau như phin lọc không khí bị bẩn; có vật cản đường gió ở dàn lạnh (vídụ bị bẩn, vướng tủ, vướng rèm) và dàn nóng (bị bẩn, lá cây, giấy báo, vướng tường, hút phải khí nóng từ máy điều hòa khác, không thông thoáng…); cài đặt nhiệt độ chưa đúng; cửa ra vào và cửa sổ đóng không kín; lưu lượng gió và hướng gió đặt chưa chuẩn; quạt dàn nóng và dàn lạnh bị hư hỏng không đảm bảo lưu lượng…

Còn gas trong điều hòa dân dụng, về nguyên tắc, khi lắp đặt máy, lượng gas đã được kiểm tra cẩn thận. Và khi các mối nối loe vặn chặt theo đúng moment lực yêu cầu (mỗi cỡ loe có moment lực yêu cầu khác nhau, vặn lỏng quá mối loe có thể chưa kín hẳn, vặn chặt quá mối loe có thể bị gãy) thì coi như kín hoàn toàn và máy sẽ vận hành trong nhiều năm đến hết tuổi thọ (15-20 năm) không cần nạp thêm, nạp lại.

Trường hợp máy bị kém lạnh do thiếu gas chỉ xảy ra khi dàn và đường ống bị thủng, rò rỉ do bị rỉ sét hoặc do bị rung, va chạm, gãy, sây sát ống… Thực ra đã bị rò rỉ thì máy mất lạnh hoàn toàn sau kỳ nghỉ đông dài ngày chứ không còn kém lạnh nữa. Công việc khắc phục khá phức tạp là phải làm thủ tục thử kín toàn bộ hệ thống đường ống bao gồm cả dàn nóng, dàn lạnh, các mối hàn, mối nối loe… bằng nước xà phòng, máy dò ga điện tử…. Nếu không phát hiện được vị trí rò rỉ thì phải tháo dỡ dàn nóng, dàn lạnh để thử kín bằng cách nhúng trong bể nước, sau khi xác định và khắc phục vị trí rò rỉ rồi thì lắp lại, tiến hành các thủ tục thử chân không, thử kín bằng môi chất và nạp gas trở lại.

Tự kiểm tra xem máy có thiếu gas không

Nếu là thợ lạnh, có thể sử dụng các dụng cụ khác nhau như áp kế đường hút, đẩy, nhiệt kế các loại đo nhiệt độ trong nhà, ngoài nhà, nhiệt độ đầu đẩy máy nén, dàn ngưng, dàn bay hơi… rồi so sánh với các thông số trên đồ thị để kiểm tra và kết luận xem có thiếu gas không.

Nhưng khi chủ nhà không có hiểu biết gì về máy lạnh và máy điều hòa và cả khi không có dụng cụ gì trong tay thì có thể kiểm tra được máy có thiếu ga hay không?  Câu trả lời là: Có thể. Có thể tự tiến hành kiểm tra như sau:

Cho máy điều hòa làm việc bình thường, cài đặt nhiệt độ phòng 27 độ C, tốc độ gió cao nhất, cho chạy ổn định khoảng 30 phút. Sau đó mở nắp dàn để có thể dùng tay trần cảm nhận nhiệt độ các hàng ống trên dàn lạnh và cả dàn nóng nếu được.

Nếu đủ gas thì dàn lạnh lạnh đều, nhiệt độ trên tất cả các hàng ống dàn lạnh khoảng 5 độ C, đầu ra hàng ống cuối cùng khoảng 10 độ C; dàn nóng nóng đều (tất cả các hàng ống nóng đều) và có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường khoảng 15 độ C, đầu ra hàng ống cuối cùng cao hơn nhiệt độ môi trường 10 độ C (ví dụ nhiệt độ ngoài trời 35 độ C thì nhiệt độ tất cả các hàng ống dàn nóng khoảng 50 độ C, đầu ra hàng ống cuối 45 độ C).

Nếu thiếu gas: Điều kiện cài đặt máy như trên, nhiệt độ dàn lạnh không đồng đều, đầu dàn thì lạnh, có thể có tuyết bám nhưng giữa và cuối dàn thì không lạnh. Dàn nóng cũng vậy, không nóng đều, chỉ nóng một vài hàng ống đầu tiên còn các hàng ống phía sau không nóng.

Nếu hết gas: Dàn lạnh không lạnh và dàn nóng hoàn toàn khôn gnóng.

Khi thiếu gas không thể nạp thêm mà cũng phải làm đầy đủ các thủ tục là tìm ra chỗ rò rỉ bằng nước xà phòng hoặc máy dò ga điện tử, khắc phục xong, thử kín, hút chân không, nạp lại gas như trình tự khi máy bị thủng hết gas hoàn toàn. 

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo Đời sống
back to top