Cấp ẩm và khóa ẩm cho da
Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa’s Garden cho biết, dưỡng ẩm cho da không phải là đắp nước lên mặt. Nước không được coi là một thành phần dưỡng ẩm, vì dư nước khiến da "bở" ra, các yếu tố có hại từ môi trường sẽ thâm nhập dễ dàng, da dễ kích ứng. Da "bở" ra và màng dầu bị thiệt hại còn khiến hơi nước dễ thoát qua da. Cần hiểu cấp ẩm cho da là những thành phần có khả năng hút ẩm để đọng trên bề mặt của da. Thông thường chúng hút ẩm từ môi trường, nhưng ở nơi khí hậu khô hanh (trong phòng điều hòa), thì chúng có thể hút ngược từ trong da. Vì thế "khóa ẩm" là một nhóm thành phần dưỡng ẩm thường đi kèm "cấp ẩm".
Những thành phần khóa ẩm được gọi là occlusive(s). Chúng có kích thước đủ lớn để không thẩm thấu vào da được mà tạo một "vỏ bọc", từ đó hơi nước không dễ dàng bốc qua da. Tất cả những thành phần nào cứ đọng ở trên da như vậy đều có khả năng khóa ẩm. Dầu thực vật, bơ thực vật, dầu khoáng, petrolatum, các loại silicone có kích thước phân tử lớn... đều là thành phần khóa ẩm.
“Da là một thể loại tường gạch. Các tế bào da giống như các viên gạch, và phần vật chất giữa các tế bào giống như vôi vữa, cát sỏi xi măng để kết nối các viên gạch. Khi các thành phần cân đối, thì da khỏe và không bị mất nước. Nếu chỉ có "xi măng" mà không có "cát", thì việc đào thải và bài tiết của da gặp khó khăn, nhưng nếu nhiều "cát" mà thiếu “xi măng” thì da dễ lở.
Cơ chế dưỡng ẩm thứ 3 là "trám vào phần vôi vữa, cát sỏi xi măng" này những thành phần có thể củng cố hệ thống đó. Cách gọi khoa học là "phục hồi thế trận nội bào". Các thành phần có khả năng phục hồi thế trận nội bào được gọi là emollients. Chúng thâm nhập được một phần của da, củng cố phần vôi vữa này, và lập tức khiến da mềm mại, mịn màng. Dầu thực vật, ngoài việc khóa ẩm, cũng thẩm thấu da một phần. Bạn dùng dầu thực vật massage mặt sẽ thấy da mềm mại là vì thế.
Những thành phần phục hồi da
Chị Đỗ Anh Thư cho biết, các dưỡng chất để làm mềm da gồm có cholesterol, lanolin (mỡ cừu), niacinamide (vitamin B3), squalene, alpha tocopherol, Tocopherol, Tocopheryl acetate,Tocopheryl linoleate, Tocotrienols, Tocopheryl succinate (các thành phần trong nhóm vitamin E), các loại dầu thực vật và bơ thực vật. Khi mua mỹ phẩm, chị em có thể để ý các thành phần này để chọn lựa. Càng nhiều những thành phần này thì da của bạn càng được dưỡng ẩm, mềm mại. Ngoài ra, để da đủ ẩm thì phải tăng năng lực tự hút ẩm vì bản thân da của chúng ta tự hút ẩm. Sẽ có lúc khả năng hút ẩm của da bị sa sút. Và một số thành phần mỹ phẩm có thể khiến glycosaminoglycan, một phân tử hút ẩm của da, hoạt động tốt hơn. Bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi…
Chị em nên lưu ý, các loại kem dưỡng thường có chứa thành phần là nước. Tất cả các sản phẩm có chứa nước trong thành phần thì nên ưu tiên đóng gói trong chai chân không, tuýp bóp hoặc chai vòi ấn, không đưa không khí từ môi trường bên ngoài vào sản phẩm. Không nên sử dụng kem dưỡng dạng hũ. Thiết diện hũ lớn, lại sử dụng tay để chạm vào sản phẩm, khiến sản phẩm bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Do đó, càng dùng càng lên mụn chứ không dưỡng ẩm được.
Khi sử dụng mỹ phẩm, tay phải được rửa sạch. Không dùng chung mỹ phẩm với người khác. Khi dùng kem dưỡng ẩm mà lên mụn trên da thì phải ngưng và bỏ hộp kem đó đi.
“Với những sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần nước, tốt nhất là mua các loại chai, tuýp nhỏ và chỉ sử dụng trong vòng 30 ngày sau khi mở hộp. Sau đó không dùng hết có thể tận dụng để dưỡng ẩm toàn thân”, chị Đỗ Anh Thư cho biết.