Từ Hy Thái hậu (29/11/1835 – 15/11/1908) là người đàn bà có quyền lực nổi tiếng nhất đời nhà Thanh, tuy trên danh nghĩa không lên làm nữ hoàng, nhưng bà là người có thể phế truất cả hoàng đế nếu thấy vị này không theo ý mình.
Vị Thái hậu này nổi tiếng về lối sống xa xỉ, sinh hoạt cầu kỳ. Những tình tiết ly kỳ hấp dẫn về những món ăn độc – dị – lạ hay những thói quen xa xỉ đến tận bây giờ vẫn còn hấp dẫn sự chú ý của công chúng hiện đại.
Tranh Từ Hy Thái Hậu do một họa sĩ nước ngoài vẽ trước năm 1900 (ảnh tư liệu Lịch sử Trung Hoa dân quốc).
Tiêu chuẩn ăn uống tốn kém cầu kỳ hơn Hoàng đế
Dưới triều đình Thanh, hầu như không có kinh phí cố định cho các bữa ăn của Hoàng đế. Tiền ăn của Hoàng thái hậu là 60 lạng bạc mỗi ngày trong suốt thời trị vì của Hoàng đế Càn Long. Khi Từ Hy nắm quyền, bà không chỉ là vị Hoàng thái hậu chí tôn mà còn là “Hoàng đế” với quyền lực tối thượng.
Ước tính, nhu cầu ăn uống của Từ Hy Thái hậu đã tăng gấp đôi, tức hơn 100 lạng bạc mỗi ngày. Vì thú ăn uống, Từ Hy cho xây dựng những nhà bếp kiểu cách ở cả Tử cấm thành và Di Hòa Viên (tức cung điện mùa hè). Riêng căn bếp trong Tử cấm thành là nơi độc quyền dành cho Thái hậu Từ Hy, còn có tên khác là “Bếp Tây”, do Tổng quản thái giám của Đại Nội quản lý.
Riêng ở thời Từ Hy Thái hậu, gian bếp riêng chuẩn bị món ăn cho bà tập trung những đầu bếp giỏi nhất Trung Hoa, nguyên liệu được đưa từ khắp các nơi tuyển chọn về để làm ra những món ăn ngon nhất với vô vàn cách thức chế biến cầu kỳ. Mỗi ngày bà ăn 2 bữa ăn chính. Theo quy định, mỗi bữa ăn phải bao gồm 100 món khác nhau. Ngoài ra, mỗi ngày còn 2 bữa ăn nhẹ với 40 đến 50 món, ít nhất phải bao gồm 20 đĩa thức ăn.
Khi Từ Hy ngồi vào bàn ăn, nếu bà ngó tới món ăn nào thì thái giám sẽ đặt món ăn đó trước mặt bà và Từ Hy cũng chỉ ăn 1 – 2 miếng mà thôi. Dù bàn ăn ê hề đồ ăn, song Từ Hy cũng chỉ ăn từ 3 đến 4 món, những thứ khác ăn rất ít, thậm chí không động đũa. Những món ăn đó sẽ được dọn đi sau khi dùng bữa. Đồ ăn thừa sẽ ban cho các hoàng hậu, phi tần. Phần lớn đồ ăn đó vẫn còn nguyên vẹn như lúc dâng lên. Riêng đồ ăn dư thừa hoặc đổ đi hoặc đem thưởng cho cung nữ, thái giám.
Thời gian biểu của các bữa ăn ở nhà Thanh cũng được quy định rõ ràng, Từ Hy ăn làm nhiều bữa trong ngày: điểm tâm lúc 6 giờ sáng, ăn trưa lúc 12 giờ, ăn chiều lúc 6 giờ, sau đó có thể là ăn nhẹ vào lúc khuya. Trước mỗi bữa ăn, 5 gian bếp sẽ cùng chuẩn bị đồ ăn của họ, và lưu trữ chúng trong những cái hộp đặt trên các bàn tại phòng đợi.
Được biết, mỗi bữa ăn của Thái Hậu trong 1 ngày bao gồm dê 2 con, gà 5 con, vịt 3 con, thịt thái lát 11 kg, mỡ lợn 2 kg rau xanh các loại, 8,5 kg, củ cải 3 kg, su hào, rau muối 5 loại, hành 3 kg. Một số loại nguyên liệu khác thì gồm có rượu Ngọc Tuyền, Tương Thanh Tương Cách 1,5 kg, dấm 1 kg, 240 loại bánh sử dụng 16 kg bột mỳ, tinh dầu thơm thực phẩm 4 kg, đường trắng làm từ quả óc chó và hắc táo cách 4 kg, mè…
Chân dung Từ Hy Thái Hậu lúc về già (ảnh tư liệu Lịch sử Trung Hoa dân quốc).
Khi Từ Hy bắt đầu dùng bữa, Đại tổng quản thái giám Lý Liên Anh sẽ dùng những cái đũa bạc để nếm từng món ăn. Nếu cái đũa bạc chuyển sang màu đen, đồng nghĩa món ăn đó đã bị nhiễm độc và sẽ không được ăn.
Bữa tiệc Xuân năm Canh Tý (1874) mà Từ Hy Thái hậu tổ chức để tiếp đón phái đoàn sứ thần, tướng lĩnh phương Tây được tổ chức trong vòng 7 ngày 7 đêm, gồm những món ăn đắt đỏ chưa từng có. Bữa tiệc có 140 món, trong đó mỗi ngày sẽ có một món chủ đạo cực kỳ đặc biệt. Trong bữa tiệc có sự xuất hiện của những món ăn có một không hai như: Chuột bao tử, óc khỉ, trùng sơn dương, cỏ phương chi, tinh trùng voi, trứng công, heo sữa…
Thực khách bữa tiệc gồm 400 người, thực đơn có 140 món, tiệc khai đúng 12 giờ đêm giao thừa năm 1874, kéo dài cho đến giờ Tý đêm mồng 7 tết. Chi phí bữa đại tiệc hết 98 triệu hoa viên Trung Quốc, tương đương 374 ngàn lượng vàng, được chuẩn bị trước 11 tháng 6 ngày, cần đến 1750 người phục dịch. Ngay từ rằm tháng 2 năm Quý Dậu (1873), mỗi tỉnh Trung Quốc được lệnh cử 10 đầu bếp xuất sắc nhất về kinh đô hội ý thảo thực đơn. Sau gần hai tháng hội ý, các đầu bếp đã thống nhất một thực đơn gồm 140 món, trong đó có 7 món cực kỳ đặc biệt. Trong 7 ngày đêm yến tiệc ấy, mỗi ngày chỉ dùng 1 món.
Được biết, món bánh nướng thịt mà bà yêu thích vào tết Trùng Dương phải dùng gỗ của cây tùng để nướng. Còn đồ uống ưa thích của Thái Hậu là trà hoa thì phải được pha chế bằng nước lấy ngay trong ngày.
Chỉ tắm thôi cũng khiến triều đình mục ruỗng
Là một phụ nữ vừa “mỹ miều và tài năng”, Từ Hy Thái hậu sinh thời có một niềm đam mê lớn, đó là làm đẹp, đặc biệt, bà có thói quen tắm rửa vô cùng cầu kỳ.
“Công cuộc” tắm rửa của người phụ nữ quyền lực này có thể tổng kết bằng một số điểm nổi bật như: phần thân thể phía trên và phía dưới, được phân tách ra tắm làm hai công đoạn khác nhau.
Thời gian tắm của bà cũng không cố định, tùy vào cảm hứng; tất cả những chiếc khăn tắm của Từ Hy đều chỉ được sử dụng một lần duy nhất và mỗi lần tắm, cần đến nhiều loại khăn khác nhau.Vào những ngày nóng bức, tần suất tắm nhiều hơn, ngày nào bà cũng tắm nhưng vào ngày đông lạnh, cách 3 ngày bà mới tắm một lần.Hoạt động này, bất luận vào mùa nào trong năm cũng diễn ra vào buổi tối, bởi trong cung, việc tắm rửa không được thực hiện vào ban ngày.
Do đó, Từ Hy thường tắm sau bữa ăn tối một tiếng. Tuy nhiên, không có một sự cố định về giờ giấc trong việc làm sạch cơ thể của người phụ nữ quyền lực nhất Thanh triều. Chỉ cần bà muốn lúc nào, sẽ được phục vụ lúc đó.
Theo quy định của Từ Hy Thái hậu, những chiếc khăn tắm của bà, một khi đã được làm ướt và vớt lên, tuyệt đối không được phép để lại vào trong nước. Điều đó có nghĩa là, mỗi chiếc khăn chỉ được bà dùng một lần trước khi vứt bỏ.
Vì thế cho nên, mỗi lần Từ Hy tắm xong, nước trong chậu vẫn trong không gợn bẩn.
Cũng vì cách tắm cầu kỳ của người phụ nữ ưa sạch sẽ này, mà sau mỗi lần tắm, Từ Hy lãng phí rất nhiều khăn, với số lượng lên đến 100 chiếc. Chưa kể đến lực lượng người hầu hùng hậu phục vụ bà ta tắm rửa với 4 công đoạn tỉ mỉ phải được áp dụng hết sức cẩn thận.
Bước đầu tiên là chà cơ thể. Bốn tì nữ với 4 chiếc khăn trong tay, chậm rãi, nhẹ nhàng chà từ ngực cho đến lưng, nách, hai vai. Bốn người, mỗi người đảm nhiệm một vị trí khác nhau trên cơ thể Thái hậu, mỗi công đoạn làm từ 6 – 7 lần.
Bước thứ 2 là xoa xà phòng thơm. Loại xà phòng này là xà phòng hoa hồng, được ngự chế trong cung. Khăn tắm sau khi được làm ướt, sẽ được vắt khô và thoa xà phòng. 4 nữ tì với 4 chiếc khăn, liên tục chà lên người Thái hậu, dùng 1 lần sẽ bỏ, tiếp tục thay chiếc khác.
Bước thứ 3 là làm khô cơ thể. Sau khi đã tắm với xà phòng thơm, Từ Hy sẽ được làm sạch cơ thể bằng khăn ẩm chứ không dùng nước dội. Đây là công đoạn khá mất thời gian và tốn khăn. Nguyên nhân là bởi thông thường khi tắm, việc xả sạch cơ thể bằng nước sẽ nhanh sạch hơn rất nhiều so với việc dùng khăn ẩm lau xà phòng đến khi sạch mới thôi.
Sau khi mọi công đoạn tắm rửa hoàn tất, Thái hậu sẽ được xức nước hoa toàn thân. Tuy nhiên, đến đây công đoạn tắm cũng vẫn chưa kết thúc.
Trước khi mặc đồ ngủ để lên giường, các tì nữ bắt buộc phải thực hiện thêm một bước đó là dùng khăn khô, lau toàn bộ cơ thể. Đến đây, hoạt động tắm rửa mới hoàn thành.
Bí quyết chăm sóc dưỡng da từ đá quý và phân chim
Thuở thiếu thời, Từ Hy có làn da vô cùng thô ráp. Nhưng sau này, làn da của Thái hậu lại nổi tiếng trắng trẻo, mềm mịn. Thậm chí tới lúc lớn tuổi, bà vẫn sở hữu nước da căng mịn như thiếu nữ đôi mươi.
Để có được làn da như vậy, Từ Hy phải sử dụng cách thức dưỡng da vô cùng cầu kỳ.
Mỗi khi rảnh rỗi, Thái hậu thường dùng các loại bảo ngọc, cẩm thạch hình tròn lăn qua lăn lại trên da mặt. Bà còn kết hợp với loại kem dưỡng da đặc biệt làm từ bạch đinh hương, ưng điều bạch, cáp điều bạch.
Thực chất, bạch đinh hương, ưng điều bạch và cáp điều bạch là phân của chim ma tước, chim ưng và chim bồ câu. Từ Hy đã dùng 3 loại phân chim này để tiêu trừ các vết nám hoặc đồi mồi trên da và ngăn ngừa hữu hiệu các nếp nhăn.
Ngoài ra, Từ Hy còn dùng một loại phấn do ngự y trong cung đặc chế là hoắc hương phấn, đinh hương phấn… Những thứ phấn này không chỉ có công dụng làm đẹp mà còn dưỡng nhan rất tốt.
Theo Kiến Thức