Những thành phần cơ bản trong mật là muối mật, bilirubin, và cholesterol. Sỏi mật được hình thành là do mất cân bằng các thành phần này.
Cholesterol được giữ giới hạn bình thường do nó hòa tan trong muối mật. Sự gia tăng số lượng cholesterol trong mật làm quá khả năng hòa tan của muối mật sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Tương tự vậy, việc giảm số lượng muối mật cũng thúc đẩy hình thành sỏi cholesterol.
Xu hướng bệnh tăng dần theo tuổi
Sỏi mật gặp chủ yếu ở người trưởng thành, tuổi càng cao, càng dễ mắc, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Bệnh để lâu không chữa trị dứt điểm có thể đưa đến biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ra sỏi mật chủ yếu có liên quan đến rối loạn chuyển hoá cholesterol và nhiễm khuẩn. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên ít khi gặp trường hợp sỏi mật nhưng từ 40 tuổi trở lên nguy cơ mắc sỏi mật rất cao. LY Thu Hằng, Trung tâm Ứng dụng các bài thuốc gia truyền cho biết, ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi mật. Thức ăn giàu protit và chất béo sẽ tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi. Ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi. Những người từ 40 tuổi trở lên nên hạn chế lượng cholesterol trong thực phẩm, ít ăn hoặc kiêng ăn thực phẩm chứa cholesterol cao như thịt mỡ, da gà, phủ tạng, lòng đỏ trứng... Nên ăn nhiều rau quả tươi và một số thực phẩm có tác dụng giảm cholesterol như tỏi, hành tây, nấm hương, mộc nhĩ đen.
Ở tuổi trung niên, phụ nữ thường tăng cân, mỡ tích lũy nhiều ở lưng, bụng, bắp tay. Nhiều người có ý thức về hình thể đã thực hiện giảm cân, thậm chí đi điều trị ở nhiều trung tâm và ép cân tức thì, điều này rất phản khoa học. Khi đang béo tiến hành giảm cân nhanh chóng thì nguy cơ bị sỏi mật lại tăng hơn. Nguyên nhân, giảm cân đột ngột sẽ khiến lượng cholesterol thừa tích lũy trong mật làm giảm muối mật nên càng dễ dẫn đến sỏi. Ở những phụ nữ sinh đẻ nhiều, kéo dài, hormon estrogen của nữ làm gia tăng nồng độ cholesterol trong mật và giảm sự co bóp của túi mật. Tác dụng của estrogen cũng được chứng minh ở những người dùng thuốc ngừa thai và phụ nữ dùng liệu pháp estrogen thay thế thì nguy cơ sỏi mật gia tăng.
Điều trị sỏi mật
Tây y điều trị chủ yếu là lấy sỏi ra ngoài theo nhiều cách. Có thể dùng thuốc giúp tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm, thời gian dùng kéo dài từ 6 tháng tới 2 năm. Có thể tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất. Với người lớn tuổi có thể cắt túi mật qua nội soi. Tốt nhất nên có chế độ điều trị dự phòng bằng dinh dưỡng như ăn giảm mỡ, tăng đạm. Nên ăn nhiều rau quả tươi, đặc biệt những loại rau quả cung cấp vitamin A như cà rốt, củ cải trắng, dưa hấu, râu ngô, rau diếp cá, gạo lứt, rau xanh. Những loại rau quả này vừa giàu vitamin A, vừa phong phú về chất xơ thực vật, có thể kết hợp với axit mật, ngăn chặn khả năng hình thành sỏi. Vitamin A có tác dụng làm giảm thiểu sự hình thành sỏi đường mật. Người mắc sỏi mật hạn chế đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê, cacao, chocolate. Nên ăn đúng giờ, đủ dinh dưỡng, ăn ít nhưng nhiều bữa, tránh tình trạng quá đói, vì khi đói túi mật co lại không bài tiết, dịch mật đọng ở túi mật quá đặc dễ hình thành sỏi. Ăn uống không theo giờ nhất định sẽ làm cơ vòng ống mật không kịp giãn ra, dịch mật khó tiết dẫn đến bệnh sỏi cấp.
Thu Hà