Trung tâm thương mại "hết hơi" vì cửa hàng mini

(khoahocdoisong.vn) - Sự kiện trung tâm Lotte Mart Đống Đa đóng cửa là hệ quả của cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường bán lẻ, khi thói quen tiêu dùng của khách hàng đang dần thay đổi.

“Ông lớn” tháo chạy khỏi trung tâm thương mại

Từ 1/7/2021, Lotte sẽ đóng cửa Lotte Mart Đống Đa - trung tâm thương mại lớn và lâu đời nhất trong số ba trung tâm của Lotte Mart tại Hà Nội.

Lotte Mart Đống Đa khai trương tháng 3/2014, từng một thời được kỳ vọng sẽ là nền tảng để Lotte Mart chiếm lĩnh phân khúc thị trường bán lẻ của Hà Nội. Thời điểm khai trương Lotte Mart Đống Đa, Lotte còn cho biết đang trong quá trình xây dựng chuỗi hệ thống 30 siêu thị lớn đến năm 2018.

Tuy nhiên, đến nay, sau 12 năm chính thức đặt chân vào Việt Nam, Lotte Mart mới chỉ có được 14 siêu thị. Rõ ràng, Lotte đang gặp khó trong việc chinh phục thị trường bán lẻ của Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, năm 2020, doanh thu thị trường này lên tới 5.059 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, hàng loạt doanh nghiệp đang có ý định tiến vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ cũng đang có sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Nếu như trước đây, chuyện bán lẻ là của những thương hiệu như Auchan, Parkson, BigC hay Lotte, thì hiện nay các ông lớn đa quốc gia này đang dần rút khỏi Việt Nam. Parkson đóng cửa trung tâm thương mại ở Hà Nội, BigC sang tay người Thái, Lotte đóng cửa trung tâm lớn nhất của mình tại Hà Nội…

Mặc dù, đại diện Lotte Mart khẳng định, việc ngừng hoạt động siêu thị này nằm trong kế hoạch thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới của Lotte Mart trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, nguyên nhân chính là do tác động của Covid-19 và mô hình kinh doanh không phù hợp khiến cho doanh thu của tập đoàn lớn này sụt giảm đáng kể.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng đã có những sự thay đổi nhất định.

Trước đây, khách hàng thường có xu hướng tìm đến các khu siêu thị phức hợp, các trung tâm thương mại với nhiều tiện ích tận dụng thời gian vừa mua sắm, ăn uống vừa vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, khách hàng thường lựa chọn mua sắm trực tuyến hoặc mua sắm tại các siêu thị mini, cửa hàng mini để tránh tiếp xúc quá đông người nhằm đảm bảo an toàn.

Đây được xem là một trong những nguyên nhân đẩy các trung tâm thương mại vào tình trạng vắng vẻ, đặc biệt là trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng cao trong khi lượng khách hàng trong và sau mùa dịch quá ít, dẫn tới nhiều gian hàng không thể tiếp tục chi trả chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ tại các trung tâm thương mại, vì vậy, sau khi đại dịch được kiểm soát nhiều người lựa chọn đầu tư vào các cửa hàng mini.

Cửa hàng mini và bán hàng trực tuyến thắng thế

Về cơ bản, hệ thống bán lẻ tại Việt Nam gồm 4 kênh chính: Các đại siêu thị/trung tâm thương mại; các cửa hàng mini/cửa hàng tiện lợi; bán hàng online của các cá nhân; bán hàng qua website/sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp.

Giống như tại các quốc gia khác trên thế giới, các mặt hàng điện máy, công nghệ, đồ xa xỉ... sẽ được bán chủ yếu tại các hệ thống siêu thị lớn, trung tâm thương mại; các nhà bán hàng online và các website thương mại điện tử của các doanh nghiệp. Còn riêng đối với ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, các cửa hàng mini, siêu thị tiện lợi sẽ là lựa chọn hàng đầu cho khách hàng bởi chúng thường được xây dựng và vận hành ngay trong các khu dân cư đem tới sự thuận tiện.

Trong cuộc đua hiện đại hóa ngành bán lẻ, mặc dù Lotte Mart đã đi trước từ năm 2017, đã cho ra mắt ứng dụng di động Speed L với mục đích phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng và tiện lợi cho khách hàng. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại mô hình bán lẻ online của Lotte vẫn khá mờ nhạt, ít người biết đến.

Phân khúc cửa hàng mini như của VinMart, VinMart+ đang lên ngôi.

Phân khúc cửa hàng mini như của VinMart, VinMart+ đang lên ngôi.

Thành công nhất hiện nay là hệ thống VinCommerce sau khi sáp nhập vào Masan Group đã vươn lên trở thành cái tên dẫn đầu trong ngành bán lẻ, đồng thời nhận được rất nhiều kỳ vọng tới từ người tiêu dùng. Với lợi thế khi sở hữu hệ thống bán lẻ hiện đại dẫn đầu về quy mô với gần 2.500 siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, Masan có mục tiêu xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ "tất cả trong một" (Point of Life), tích hợp các điểm bán hiện có (offline) với kênh mua sắm trực tuyến (online).

Trong khi Lotte Mart hoạt động ảm đạm, thiếu chiến lược gây dấu ấn cho người tiêu dùng thì đã có không ít các hệ thống siêu thị khác với mô hình kinh doanh tiến bộ đã phát triển vượt bậc. Trong đó, chủ yếu là mô hình chuyển từ bán hàng ở trung tâm thương mại sang bán tại các cửa hàng mini, với hàng loạt doanh nghiệp khác đang bước theo hướng đi này. Thế giới di động với chuỗi điện máy xanh, Masan Group thâu tóm chuỗi Vinmart, Vinmart+, Thaco mua lại chuỗi Emart Việt Nam…

Thay vì xây dựng nền tảng bán hàng online thành một kênh riêng, việc Masan chuyển đổi các điểm bán lẻ theo hướng hiện đại hóa giúp cho khách hàng có thể tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời gia tăng chất lượng dịch vụ. Tận dụng các cửa hàng có sẵn để giao các đơn hàng online đang là hướng đi đúng đắn của không ít các hệ thống bán lẻ.

Ngoài ra, với tác động của dịch bệnh kiêng kỵ việc tiếp xúc và tập trung đông người, các thương hiệu bán lẻ lớn như Vinmart, Co.opmart, Hapromart cũng đẩy mạnh chăm sóc khách hàng qua kênh bán hàng online, khi phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, ứng dụng, điện thoại và được giao hàng tận nơi chỉ sau một đến hai giờ. Các siêu thị cũng bắt tay liên kết với nhiều ứng dụng đi chợ hộ để đem đến trải nghiệm mới lạ cho khách hàng.

Phát triển các cửa hàng mini đang là hướng đi hiện đại của ngành bán lẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cửa hàng mini sẽ có lợi thế khi giúp khách hàng hạn chế tập trung đông người hơn so với các siêu thị lớn hay trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, với việc các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có ý định đổ vốn vào thị trường này, chứng tỏ thị trường chưa đến lúc bão hòa. Câu hỏi là, doanh nghiệp đầu tư vào thị trường này sẽ lựa chọn hướng phát triển nào để cạnh tranh với những nền tảng có sẵn?

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường vàng. Cần khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
back to top