Triển khai chế tài và kỹ thuật để người Việt dùng mạng văn minh hơn

(khoahocdoisong.vn) - Livestream, lập diễn đàn, tạo clip để bôi nhọ, vu khống, phát ngôn sai sự thật gây hận thù, tổn thương tinh thần, khiến nhiều người sang chấn tâm lý, thậm chí tự vẫn. Dùng mạng xã hội để tẩy chay, trả đũa nhau được cho là vấn nạn nhức nhối thời gian qua. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải ban hành 9 quy tắc ứng xử nhằm lành mạnh hóa mạng xã hội Việt Nam.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điểm số cải thiện nhưng vẫn chưa văn minh

Với 65 triệu người dùng mạng xã hội và trên 70% người dân sử dụng internet, nhưng Việt Nam đang đứng trong top cuối của bảng xếp hạng văn minh trên mạng xã hội. Thực tế này không thể phủ nhận khi mà tại Việt Nam mỗi giây phút trên không gian mạng đang lan tràn những hành vi chửi bới, lăng mạ, bôi nhọ, vu khống, bắt nạt… Nhiều cư dân mạng chẳng cần biết đầu đuôi đúng sai thế nào nhưng sẵn sàng lao theo số đông “ném đá” tập thể bằng những lời lẽ thô tục có tính chất cực đoan. Ranh giới giữa tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm và thóa mạ, xúc phạm người khác chưa bao giờ mong manh đến thế. Không ít người trong số họ là doanh nhân có tiếng, diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ... Điều đáng buồn những người này dù nổi tiếng nhưng sử dụng văng tục như một yếu tố câu like, thu hút người theo dõi. Văng tục càng nhiều lượt theo dõi càng lớn. Những bình luận cũng tục tĩu biến mạng xã hội thành một chợ rác.

Đặc biệt, sự việc lên đỉnh điểm khi hệ thống mạng của cơ quan báo chí quốc gia VOV bị đánh sập, nhà báo và gia đình liên tục bị khủng bố tinh thần vì hai bài báo phê phán lệch chuẩn xã hội. Toàn bộ các nền tảng mạng xã hội của Báo điện tử VOV trên Google, Facebook, bị các nhóm đối tượng tổ chức spam, đe dọa, dùng lời lẽ cục cằn để bình luận và kêu gọi đánh giá 1* (1 sao) trên Google Maps với trang vov.vn nhằm làm giảm uy tín của cơ quan này, khiến trang này đang ở thứ hạng 4,5* bị tụt xuống 1,9*. Tiếp tục là việc tấn công DDOS (từ chối dịch vụ) nhằm vào Báo điện tử VOV, tấn công Fanpage của báo; gửi thư, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn; gửi tin nhắn đe dọa đến phóng viên viết bài. Cơ quan chức năng bước đầu đã khởi tố một bị can trong vụ tấn công mạng này, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án và các đối tượng liên quan.

Báo cáo mới nhất về “Văn minh, An toàn và Tương tác Trực tuyến – 2020” và Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng (viết tắt là DCI) năm 2020 do Microsoft công bố ngày 19/2/2021 cho thấy, chỉ số DCI năm 2020 của Việt Nam kém hơn nhiều so với trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Điểm DCI của Việt Nam năm 2020 là 72, trong khi đó, điểm của APAC là 66. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong năm quốc gia/khu vực có điểm số cải thiện nhất trên toàn cầu, giảm từ mức 78 điểm của năm 2019. Năm 2019, Việt Nam trong 5 nước dùng mạng "kém văn minh" nhất: Nam Phi (83%), Peru (81%), Columbia (80%), Nga (79%), Việt Nam (78%). Thanh thiếu niên (13 - 16 tuổi) chính là nhóm giúp cải thiện điểm số DCI của Việt Nam. Nhóm này đạt 69 điểm trong thước đo văn minh trực tuyến, trái ngược với người trưởng thành là 74. Ngoài ra, 43% người tham gia khảo sát tại Việt Nam nhận thấy mức độ văn minh trực tuyến được cải thiện trong thời kỳ đại dịch do người dùng mạng có ý thức cộng đồng cao hơn và chứng kiến nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hơn.

Ứng xử theo quy tắc

Để hạn chế hành xử kém văn minh trên internet, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021. Bộ Quy tắc có đưa ra 10 lưu ý dành cho cán bộ, công chức, viên chức khi sử dụng facebook. Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Bộ TT-TT dự định trong tháng 7 tới sẽ ra chỉ thị hướng dẫn cách làm và các công cụ cần thiết để đảm bảo sự lành mạnh trên không gian mạng của toàn bộ đất nước, ban hành văn bản liên quan đến các bộ, ngành khác, địa phương và các lĩnh vực khác. Theo đại diện của Bộ TT-TT, một trong những việc cần làm ngay để đảm bảo sự lành mạnh của không gian mạng là sự di chuyển của các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức... sang các nền tảng sạch. Xử lý mạnh tay hơn đối với nền tảng không lành mạnh.

Nhận xét về bộ quy tắc, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội.

Để giải quyết những vấn nạn của mạng xã hội cần sự vào cuộc đồng bộ cả về pháp lý, kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục. Nhiều nước trên thế giới đã có những quy định chặt chẽ, gỡ bỏ những nội dung vi phạm trên mạng xã hội. Những người dùng hoặc nghệ sĩ vi phạm không được xuất hiện trước công chúng. Người nổi tiếng muốn livestream phải đăng ký với các cơ quan chức năng. Nếu các trang mạng xã hội không tuân thủ sẽ bị bóp băng thông, xử phạt hành chính, đóng cửa...

Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, có thể hiểu xúc phạm danh dự nhân phẩm là dùng những lời lẽ thô bỉ, tục tĩu để nhục mạ nhằm hạ uy tín gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm người khác. Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là quyền nhân thân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thương thiệt hại.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng. Sao chép làm nhiều bản gửi đi cho nhiều người qua message (tin nhắn), kể lại cho người khác nghe, đăng status (trạng thái), comment (lời bình) trên Facebook... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Để khuyến khích dùng mạng văn minh, Microsoft đưa ra 4 quy tắc vàng cho người dùng mạng: 1. Đồng cảm, trắc ẩn và tử tế; 2. Tôn trọng sự khác biệt; 3. Nghĩ trước khi bình luận về những thứ mình phản đối; 4. Sẵn sàng đấu tranh trước những hành vi ứng xử thiếu văn minh và chưa chuẩn mực.

Theo Đời sống
back to top