Trị ngứa da mùa đông bằng giữ ấm

(khoahocdoisong.vn) - Khi nhiệt độ hạ thấp cũng là lúc nhiều người bị ngứa da, càng gãi càng ngứa. Để làm giảm cơn ngứa ngáy, nhiều người sử dụng các loại thảo dược như lô hội, dưa chuột, lá trầu không, mật ong… Tuy nhiên, theo chuyên gia, các loại thảo dược này không hiệu quả, cách giảm ngứa đơn giản lại dễ thực hiện nhất chính là giữ ấm cơ thể.

Đông y gọi là cước lạnh

Lương y Vũ Quốc, Hội Đông y Việt Nam cho biết, ngứa da là hiện tượng phá phổ biến trong mùa đông. Đông y gọi hiện tượng này là cước khí, nghĩa là bệnh do khí lạnh mà ra. Theo đó, vào mùa lạnh, nhiệt độ xuống thấp, cơ thể bị nhiễm lạnh khiến cho lớp biểu bì của da co lại từ đó gây các phản ứng như da đỏ hết lên, ngứa, rát, khó chịu.

Các vị trí dễ  thương tổn và ngứa là các ngón chân, bàn chân, ngón tay, bàn tay, tai, mũi, vốn là những vị trí hở nên dễ bị nhiễm lạnh. Từ những vị trí này, ngứa có thể lan ra khắp cơ thể.

Vẫn theo Lương y Vũ Quốc Trung việc sử dụng lô hội, dưa chuột, lá trầu không… khi bị ngứa da vào mùa đông như cách một số người vẫn đang thực hiện là không có hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng. Dưa chuột, lô hội, củ đậu… ở một khía cạnh nào đó có thể sử dụng để bổ sung nước cho da, vì thế khi bôi, đắp các loại này sẽ giúp cho da cải thiện được tình trạng thiếu nước, khô, rát.

Tuy nhiên, dưa chuột, lô hội lại có tính mát trong khi bản thân bệnh ngứa da mùa đông là do lạnh, mát gặp lạnh là không hiệu quả vì vậy khi bị ngứa mà bôi, đắp các loại này là không hiệu quả.

Tương tự lá trầu không, theo Lương y Vũ Quốc Trung, lá trầu không có ưu điểm là có tính nóng, tuy nhiên, khi bị ngứa, theo phản ứng chúng ta sẽ gãi. Khi gãi có thể xuất hiện các vết xước, các vết xước này có thể gây nhiễm trùng, viêm. Lúc này nếu bôi, đắp lá trầu không, tính nóng của lá trầu không có thể còn làm tình trạng nhiễm trùng trầm trọng hơn.

Đặc biệt, theo Lương y Vũ Quốc Trung, khi giữ ấm cơ thể cần chú ý đến các điểm hở trên cơ thể như tai, bàn tay, bàn chân, đỉnh đầu... Đây là những vị trí rất dễ bị cước, ngứa nhất bởi chúng là phần bị lộ ra khỏi cơ thể nên dễ tiếp xúc với khí lạnh. Vì thế, vào mùa lạnh, không chỉ chú ý giữ ấm cho cơ thể bằng mặc quần áo đủ ấm, bạn còn cần chú ý giữ ấm những vị trí bị hở. Vì thế, vào ngày lạnh nên đội mũ, quàng khăn, đi tất, thậm chí sử dụng găng tay… nhất là khi đi ngoài trời.

Giữ ẩm khỏi ngứa

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, khi bị ngứa, đau, rát, bạn tuyệt đối không nên gãi vì càng gãi sẽ khiến bạn càng cảm thấy ngứa và là tình trạng bệnh thêm nặng, thậm chí tổn thương và dễ viêm nhiễm. Trong trường hợp này bạn hãy nên xoa nhẹ nhàng để làm giảm cơn ngứa, tránh làm trầy xước da.

Ngoài ra, để giải quyết cơn ngứa, bạn có thể sử dụng các loại dầu như dầu gió, dầu cao để xoa vào chỗ ngứa. Tính nóng của dầu sẽ giúp làm giảm cước khí nơi bị ngứa. Một cách khác là khi lấy một chiếc khăn sạch hơ trên lửa hoặc nhúng vào nước nóng sau đó “trườm” lên chỗ bị ngứa, tình trạng ngứa sẽ được thuyên giảm.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là phòng tránh ngứa. Một cách rất đơn giản, dễ thực hiện để phòng tránh ngứa da đấy chính là giữ ẩm cơ thể vào mùa lạnh. Khi tránh được lạnh, cơ thể đủ ấm, tự khắc sẽ đẩy lùi được tình trạng ngứa da.

Để đảm bảo cơ thể không bị nhiễm lạnh, dẫn đến cước khí, mọi người cần đảm bảo mặc quần áo đủ ấm cả trong nhà và khi đi ngoài trời. Tốt nhất nên tuân thủ quy định mặc quần áo 2 -3 lớp, lớp trong cùng mặc quần áo mỏng, bó để giữ nhiệt, sau đó là một lớp len. Khi đi ra ngoài thì mặc thêm áo khoác nhẹ hoặc lông vũ. Việc mặc quần áo nhiều lớp vừa giúp cơ thể không bị nặng nề vừa giúp giữ ấm.

Theo Đời sống
back to top