Tránh xa tác nhân gây viêm mũi

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh gây nhiều phiền toái cho người mắc, bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể biến chứng viêm xoang, rối loạn giấc ngủ,… ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Tác nhân chủ yếu gây viêm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - chuyên gia Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (MDLS), Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ dân số mắc bệnh viêm mũi dị ứng rất cao chiếm khoảng 20-40% và ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, theo thống kê, bệnh viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 20-30% các bệnh lý về tai, mũi, họng.

Giải thích về tỷ lệ nhiễm cao này, PGS. Nguyễn Văn Đoàn cho hay, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, môi trường sống thay đổi làm cho các dị nguyên tác động lớn đến con người đặc biệt là mũi, đây là lớp niêm mạc đầu tiên tiếp xúc với các tác nhân đường hô hấp. Có rất nhiều tác nhân gây ra chứng viêm mũi dị ứng, người dân có thể chú ý tới một số yếu tố dưới đây:

- Thời tiết: Khi thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng hoặc từ nóng sang lạnh, người bệnh chưa kịp thích ứng sẽ dễ bị viêm mũi dị ứng.

- Dị nguyên: Phấn hoa, lông chó mèo, vi khuẩn, virus, thời tiết, hóa chất, làm việc gắng sức là những yếu tố có khả năng gây ra chứng viêm mũi dị ứng cho người bệnh.

- Môi trường: Môi trường sống và làm việc hàng ngày nếu tồn tại nhiều khói độc hại, bụi nhà, bụi mịn, ô nhiễm, hóa chất độc hại sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi.

- Bệnh lý nền: Ở những bệnh nhân đang mắc chứng bệnh liên quan đến tai-mũi-họng sẽ có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cao hơn người bình thường.

- Cấu tạo mũi: Đối với những người mắc dị tật bẩm sinh như mũi bị vẹo, gai vách ngăn,vách ngăn mỏng,… có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cao hơn.

Dấu hiệu cảnh báo viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng có mối liên quan đặc biệt với bệnh hen. Khoảng 40% người từ mắc bệnh viêm mũi dị ứng chuyển sang mắc bệnh hen. Do đó, ngay từ khi có những triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần có biện pháp ngăn ngừa từ khi mới biểu hiện. Người mắc viêm mũi dị ứng thường có các biểu hiện: hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ (chảy nước mũi) tái lại nhiều lần.

Đặc biệt, khi gặp các tác nhân, bệnh sẽ tái phát, điều trị dai dẳng. Với mỗi đợt cấp và mạn sẽ có cách điều trị riêng, tùy cơ địa mỗi người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh hạn chế tái phát. Do đó, khi gặp những dấu hiệu cảnh báo trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám ngay và tránh xa với yếu tố hay kích ứng.

Để kiểm soát dễ dàng viêm mũi dị ứng, cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và luyện lập như sau: Bảo đảm đầy đủ đường, đạm, mỡ, khoáng chất và vitamin trong mỗi bữa ăn. Kết hợp với lối sống khoa học, tập thể dục đều đặn, vừa phải, tập trong môi trường không khí trong lành. Tập với cường độ nhẹ, tăng mức độ từ từ. Bệnh viêm mũi dị ứng khó chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể dự phòng mắc và dự phòng tái phát bằng cách ngăn chặn các tác nhân gây bệnh và yếu tố kích ứng. Tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ...

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top