Tránh hiểu sai về gạo

(khoahocdoisong.vn) - Gạo có thể để vài tháng mà không bị giảm chất lượng? Gạo đặc sản giàu dinh dưỡng? Gạo từ các giống lúa năng suất cao không phải là gạo ngon?

Năng suất cao vẫn ngon

Nhiều người cho rằng, những giống lúa năng suất cao thì thường chất lượng không đảm bảo. Chất lượng không thể nào tỷ luận thuận với năng suất. Theo GS. VS Trần Đình Long, Hội Giống cây trồng Việt Nam, đấy là ngày xưa. Còn ngày nay, khoa học đã tiến một bước dài. Ngày nay ở nước ta, các nhà khoa học cũng đã chọn tạo được những giống lúa “2 trong 1”, cân bằng giữa năng suất và chất lượng. Ví dụ ở đồng bằng sông Cửa Long thì có OM, ST..., ở miền Bắc có ĐS 1... Các giống lúa này cho chất lượng gạo ngon không kém, thậm chí còn ngon hơn nhiều loại gạo chất lượng cao của thế giới.

GS. VS Trần Đình Long giải thích thêm, khi xét về chất lượng của gạo, người ta xét trên 3 góc độ thương phẩm, nấu nướng, và dinh dưỡng. Về thương phẩm, với giống lúa cho gạo hạt dài phải có độ dài trên 7mm, hạt gạo trong, tỷ lệ bạc bụng thấp; với gạo hạt tròn không quan trọng độ dài nhưng phải đảm bảo dẻo nhưng không dính.

Về nấu nướng, gạo ngon phải là gạo có mùi thơm, cơm dẻo, mềm, không dính. Về dinh dưỡng gạo ngon là gạo có hàm lượng protein cao khoảng 10-11% (trong khi gạo thông thường hàm lượng protein chỉ khoảng 7-8%). Nhiều giống lúa hiện nay cho năng suất cao những cũng đã đạt được các chỉ tiêu như hạt gạo trọng, tỷ lệ bạc bụng thấp, cơm dẻo, mềm, khi nấu hạt không bị vỡ, hàm lượng protein cao...

Gạo không ai để vài tháng

PGS. TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, rất nhiều người cho rằng gạo là thực phẩm khô nên có thể để đến vài tháng. Quan điểm này là vô cùng sai lầm. Để lâu, gạo bị giảm chất lượng do nhiễm ẩm từ môi trường tự nhiên.

Hơn thế, gạo vốn là “miếng mồi béo bở” của các loại côn trùng điển hình là mọt nên rất dễ bị chúng tấn công. Tốt nhất để đảm bảo, nên mua gạo đóng trong bao (2 kg, 5 kg, 10 kg…). Gạo đóng gói trong bao bì có ưu điểm là có đầy đủ các thông tin từ tên gạo, xuất xứ, thời hạn sử dụng in trên bao bì, ngoài ra việc gạo trong bao, túi đóng kín cũng hạn chế sự xâm nhập của mọt và các loại côn trùng cũng như hạn chế sự hút ẩm từ môi trường tự nhiên.

Với những loại gạo để trong bao không có thông tin cụ thể, khi để ý gạo vừa mới xay, xát xong, sẽ có mùi thơm tự nhiên; khi nhấm thử, hạt gạo giòn. Ngoài ra, khi mua nên lấy tay đảo gạo để quan sát gạo có bị mọt, mốc không.

Khi mua, chỉ mua một lượng vừa phải ăn hết trong vòng 15 ngày lại mua tiếp. Trong trường hợp bạn mua nhiều tới vài chục kg bạn cần bọc chúng trong nhiều lớp túi nilon và kê cao khỏi mặt đất một chút để tránh không khí bên ngoài xâm nhập vào đồng thời tránh sự xâm nhập của côn trùng.

Đừng “cuồng” gạo đặc sản

GS. VS Trần Đình Long cho biết, nói đến gạo đặc sản, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đấy là gạo “số 1” bởi nó vừa đắt lại vừa ngon, cơm thì dẻo, mềm lại có mùi thơm và giàu protein. Vì thế, nhiều nhà chỉ “lùng” mua gạo đặc sản để ăn, hay khi làm quà biếu, mọi người cũng mua gạo đặc sản.

Tuy nhiên, cách hiểu này là chưa thấu đáo. Về hàm lượng protein, gạo đặc sản không có hàm lượng protein hơn gạo thông thường. Tuy nhiên, gạo đặc sản cho cơm dẻo, mềm có đặc biệt là có mùi thơm. Đây chính là ưu điểm nổi bật của gạo.

“Nhưng với gạo, ngon hay không đôi khi lại tùy thuộc vào gu của từng người”, GS.VS Trần Đình Long cho biết. Ví dụ, gạo tám có mùi thơm rất đặc trưng, nhiều người rất thích. Tuy nhiên, những ai ưa mùi thơm nhẹ sẽ không thích gạo tám, nhất là thị trường nước ngoài, với họ gạo tám có mùi thơm “cứt gián” rất khó ăn. Vì thế những ai chỉ thích ăn gạo có mùi thơm nhẹ thì gạo tám lại không phải là loại gạo “ngon”. Thế nên, chọn gạo, hãy chọn theo gu của mình chứ không nhất thiết phải là gạo đặc sản. Ngoài ra, hiện nay cũng có nhiều giống cho cơm dẻo, mềm, thơm, chất lượng không thua kém mấy so với đặc sản, vì thế, bạn có nhiều sự lựa chọn chứ không phải chỉ có riêng đặc sản mới “ngon tuyệt đối”.

Trong trường hợp bạn chọn gạo đặc sản, bạn cần lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm ví dụ trồng ở đâu, vụ nào... bởi gạo đặc đặc sản thường là gạo địa phương, diện tích trồng ít, hay bị sâu hại… nên năng suất và sản lượng rất thấp. Khi mua gạo đặc sản, bạn có thể dựa vào một vài đặc điểm như hạt nhỏ, đều, trong, ít gãy, gạo gửi có mùi thơm...

Theo Đời sống
back to top