Tránh gió lạnh cho nhà vào mùa đông

Khi những đợt lạnh kéo dài, kèm theo là mưa phùn gió bấc, hay những ngày có gió mùa đông bắc vào mùa đông luôn khiến mọi người tê cóng trong cảm giác rét buốt, ngay cả khi ở trong nhà, nhất là những ngôi nhà ở hướng đón gió. Bài viết này sẽ chia sẻ những cách giúp ngôi nhà của bạn trở nên ấm áp hơn trong những ngày đông gió lạnh.

Hướng khí hậu

Từ xa xưa, hướng khí hậu đã được xem là một trong các yếu tố để chọn hướng tốt xấu cho ngôi nhà. Theo đó, “làm nhà hướng Nam” là một trong những kinh nghiệm xây dựng trong dân gian. Lý do là vì hướng Nam và cận nam như Đông Nam và Tây Nam là những hướng tốt đối với điều kiện khí hậu Việt Nam, bởi đón được gió mát và nguồn ánh sáng ổn định vào mùa hè, cũng như không khí ấm áp, tránh được gió Bắc lạnh lẽo vào mùa đông.

Trong khi đó, các hướng Tây, Tây Bắc thì gặp nắng gắt vào buổi chiều; hướng Đông lại chói vào buổi sáng và chịu thêm gió lạnh từ hướng Đông Bắc trong mùa đông. Hướng Bắc nằm giữa hai hướng Tây Bắc (nắng chiều) và Đông Bắc (gió lạnh) nên cũng không được coi là hướng tốt.

Theo KS Nguyễn Phan Sơn, Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng Hoàng Gia, dựa theo hướng khí hậu này “các cụ” đã phân gió ra thành gió âm và gió dương. Theo đó, hướng Nam, hướng Đông là gió ấm, gió chậm, gọi là gió dương; hướng Tây, hướng Bắc là gió lạnh, gió hàn, gọi là gió âm.

Theo quan điểm phong thủy, nói chung, nhà ở tọa Tây Nam hướng Đông Bắc, không phải là sự lựa chọn lý tưởng, vì ngoài điều kiện ánh sáng không tốt ra còn dễ hấp thụ những vật chất âm và hơi ẩm trong không khí, đồng thời cả gió lạnh, có hại cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, trên thực tế điều kiện nhà ở, đất ở hiện nay, nhất là ở các đô thị đông đúc, phương vị hướng Nam không phải dễ tìm, vì thế các chuyên gia khuyên rằng dùng hướng chính Nam làm nguyên tắc, có thể chọn phương vị hơi nghiêng về hướng Đông hoặc hướng Tây cũng không có trở ngại gì.

Thậm chí, nếu nhà ở không có cách nào xây dựng theo hướng Nam, hay nghiêng Đông, chếch Tây, thì vẫn có thể giải quyết được bằng cách mở nhiều cửa sổ ở hướng Nam hoặc xây giếng trời, tăng thêm ánh sáng, khí ấm, hoặc trồng nhiều cây ở hướng Bắc để bù đắp lại. Ngay cả khi việc chọn hướng nhà không thể tránh được Đông Bắc, thì vẫn có những cách giải quyết giúp ngôi nhà của bạn luôn ấm áp trong những ngày đông gió lạnh.

Chống gió lạnh

Rèm và thảm là những vật dụng hỗ trợ hữu hiệu giúp chống lạnh cho nhà – Ảnh minh họa

KS Nguyễn Phan Sơn cho rằng thực tế Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, vì vậy cái lạnh của mùa đông chủ yếu là do gió mùa gây ra. Những đợt rét thường chỉ ngắn ngày khi có gió mùa về, vì vậy, muốn chống lạnh, chỉ cần chú ý thiết kế tránh hướng gió mùa Đông Bắc thốc thẳng vào nhà.

Đồng thời, kết cấu cửa chính, cửa sổ, cửa lấy sáng, hay cửa ngách đều phải thật kín, tránh hút gió. Và tất nhiên để hạn chế gió lạnh bạn cần chú ý đóng kín cửa, bịt kín các khe cửa để tránh gió lùa. Hãy đóng cả những cánh cửa phòng mà bạn không sử dụng đến để giúp hơi ấm tập trung lại trong một diện tích nhỏ khiến nơi đó ấm hơn.

Sử dụng rèm cửa dày, chất liệu ấm trong mùa đông cũng là cách để ngăn chặn hơi ấm thoát ra và nhiệt lạnh từ bên ngoài xâm nhập vào phòng. Tuy nhiên, vào ban ngày khi có ánh sáng mặt trời, bạn nên để rèm mở hoặc chỉ che lớp rèm mỏng, với loại rèm hai lớp. Mặt trời chính là nguồn cung cấp nhiệt giúp xua tan cái lạnh và khiến tinh thần bạn thoải mái hơn.

Thảm trải sàn cũng là một gợi ý giúp tránh thất thoát nhiệt lượng trong nhà và giữ ấm đôi chân. Ngoài ra, cần chú ý tránh kê giường ngủ gần cửa sổ là nơi cảm nhận không khí lạnh dễ nhất.

Thảm trải sàn chống lạnh – Ảnh minh họa.

Theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, nếu nhiệt độ xuống thấp, có thể sử dụng thêm máy sưởi, hoặc điều hòa bật chế độ nóng. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng những thiết bị sưởi ấm này vì chúng có thể làm không khí trong phòng trở nên quá khô nóng, ngột ngạt và ô nhiễm.

Những ngày không quá lạnh, vẫn nên mở cửa đón không khí tươi mới cho nhà cửa thông thoáng.

Làm ấm nhà bằng mùi hương

Xông hay đốt tinh dầu hoặc các loại thảo mộc tự nhiên có tính ấm cũng giúp mang lại cảm giác ấm áp cho ngôi nhà. Những món ăn nóng cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp bạn chống chọi với cái lạnh tốt hơn. Nhiệt lượng tỏa ra từ lò nướng và bếp nấu cũng sẽ khiến căn nhà có nhiều hơi ấm.

Chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hà (tổ 12 Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top