Hình minh họa.
Tâm là toàn thể của đạo
Trong bài thi của mình, Phạm Đôn Lễ đã trình bày những hiểu biết sâu rộng của mình về lý số, cũng như vận dụng vào việc cai trị thiên hạ:
“Cái kỳ diệu của lý số là ở trong tâm. Tâm là toàn thể của đạo mà cái kỳ diệu là công dụng lớn của đạo. Đấng nhân quân dùng lý số để chế trị, vốn ở trong tâm ấy, Hoàng đế Phục Hy, Đại Vũ nắm cái tâm ấy mà chế tác tinh vi; Chu, Trình, Trương, Chu làm sáng tỏ cái tâm ấy mà trước thuật tường tận đầy đủ. Tâm ôi! Tâm ôi. Tâm là khởi đầu của chế tác chăng? Tâm là gốc rễ của sự cai trị, sự học chăng? Biết được điều đó thì cái học về lý số, sự cai trị của đế vương có thể nói ra được…
Tấm lòng của đấng nhân quân vốn muôn vàn biến hóa, sở dĩ bù đắp được trời đất là vì vậy. Một tấm lòng trong sáng thì vạn vật được dưỡng nuôi, một tấm lòng ngay ngắn thì trăm độ được ngay thẳng, sự lớn lao của trời đất sao có thể ở ngoài tấm lòng ấy…”
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Phạm Đôn Lễ được cử giữ chức Hàn lâm thừa chỉ, sau đó thăng lên chức Tả Thị lang hàm Thượng thư.
Sử sách không ghi chép nhiều về công trạng của Phạm Đôn Lễ trong những năm tháng làm quan tại triều. Còn tại quê hương còn lưu truyền về công lao của Phạm Đôn Lễ trong việc dạy dân làm nghề dệt chiếu và nhuộm cói.
Ông tổ nghề dệt chiếu
Năm Giáp Thìn (1484), Phạm Đôn Lễ vâng mệnh vua đi sứ nước Minh. Khi qua vùng Quế Lâm (Quảng Tây) ông chuyên chú khảo sát nghề dệt chiếu ở đây, học bí quyết dệt chiếu theo kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn, khác với cách dệt ở quê ông là dệt khung đứng, không có ngựa đỡ.
Khi về nước, ông đã truyền lại cho dân làng cách dệt, cách nhuộm cói từ đó tạo ra các sản phẩm chiếu đậu, chiếu cải, chiếu hoa… nổi tiếng, tạo nên thương hiệu chiếu Hới. Đây là một loại chiếu bền đẹp nổi tiếng một thời mà mọi người dân đều ao ước. Nhờ vậy đời sống của người dân được sung túc. Trong dân gian, ông được biết đến với tên gọi Trạng Chiếu.
Phạm Đôn Lễ là một vị quan cương trực, vì vậy dưới thời vua Lê Uy Mục, khi bọn tham quan nhũng lạm triều chính, ông xin từ quan, đưa vợ con về dạy học tại làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Sau khi Phạm Đôn Lễ mất, dân làng lập đền thờ tôn ông là tổ nghề dệt chiếu cói Hới nên nhân dân gọi ông là Trạng Chiếu. Hiện tại quê Phạm Đôn Lễ còn lưu giữ được tấm bia Hải Triều (Hải Trào) xã Tam Nguyên quan thần từ bi ký được dựng năm Tân Hợi (1831) thời Tự Đức nói về sự nghiệp và công trạng của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ.
Trịnh Dương