Theo đó, Sở Giao thông vận tải kiến nghị chấp thuận 77 xe hoạt động (mỗi xe trị giá 6,5 tỷ đồng), sức chứa mỗi xe từ 65 - 70 chỗ. Xe chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường.
5 tuyến xe buýt điện có lộ trình cụ thể gồm: tuyến VB01 từ khu dân cư này đến Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27km), tuyến VB02 đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30km), VB03 đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29km), VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5km) và VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10km) xuất phát từ khu dân cư Vinhome Grand Park đến các đầu mối giao thông quan trọng.
Giá vé (sau khi có trợ giá) cho học sinh, sinh viên là 3.000đ/lượt; khách tuyến VB01, VB02, VB03 là 7.000đ/lượt; 5.000đ/lượt cho hành khách tuyến VB04, VB05. Nhà đầu tư đề xuất tỷ lệ trợ giá là 44% chi phí hoạt động.
Xe buýt điện sẽ dừng đón tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra nhà đầu tư sẽ bổ sung thêm 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot và bến bãi rộng hơn 12.200m2 tại khu dân cư Vinhome Grand Park (quận 9).
Được biết, hiện nay, chưa có định mức đơn giá và kinh tế kỹ thuật cho loại hình xe buýt điện.
Đầu năm 2017, TPHCM cho phép hoạt động thí điểm 3 năm đối với 3 tuyến xe buýt điện (12 chỗ ngồi), trong đó 1 tuyến ở trung tâm thành phố và 2 tuyến ở quận 7.
Hiện TPHCM có 128 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không có trợ giá. Thời gian gần đây số lượng tuyến xe buýt có xu hướng giảm do rà soát sắp xếp lại mạng lưới tuyến cho phù hợp, giảm trùng lắp và tăng độ bao phủ.