TPHCM: Cứu sống bé gái hơn 1 tuần tuổi bị bệnh tim nguy hiểm

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tiến hành phối hợp liên chuyên khoa để chẩn đoán trước sinh, lên kế hoạch can thiệp cấp cứu và phẫu thuật thành công cho trẻ sơ sinh 8 ngày tuổi bị hoán vị đại động mạch – một bệnh lý tim mạch bẩm sinh phức tạp và nguy hiểm.
Bé gái 8 ngày tuổi chuẩn bị phẫu thuật

Bé gái 8 ngày tuổi chuẩn bị phẫu thuật

Bất thường trong quá trình tạo hình tim của phôi thai

Sản phụ H.L.N.X (24 tuổi, ngụ tại TPHCM), phát hiện bất thường cấu trúc tim của thai nhi qua siêu âm hình thái học định kỳ và bắt đầu được theo dõi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM từ tuần thứ 22 của thai kỳ. Qua siêu âm, chọc ối, phối hợp hội chẩn, các bác sĩ tim mạch chẩn đoán thai nhi mắc bệnh hoán vị đại động mạch đơn thuần, phổi biệt trí bên phải – động mạch chủ của bé xuất phát từ tim phải, hoán đổi vị trí với động mạch phổi, khiến quá trình trộn lẫn oxy vào máu tại phổi không được diễn ra, như vậy máu đen (máu không có oxy) sẽ đi nuôi cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng.

Sau nhiều lần hội chẩn giữa các chuyên khoa, các bác sĩ nhận định đây là một ca bệnh khó, cần phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị và xây dựng quá trình theo dõi chặt chẽ từ trước khi sinh đến sau khi sinh. Thai nhi được dự đoán cần phải được cấp cứu khẩn cấp và trải qua một cuộc đại phẫu thuật khi vẫn còn trong giai đoạn sơ sinh.

TS.BS Trần Nhật Thăng – Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Đây là hiện tượng bất thường trong quá trình tạo hình tim của phôi thai, khiến động mạnh phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau. Chúng tôi theo dõi và tiến thành hội chẩn tim mạch một lần nữa khi thai được 34 tuần tuổi, kết quả siêu âm cho thấy có nhiều khả năng phải can thiệp sớm. Do đó nhóm hội chẩn sản nhi quyết định mổ lấy thai chủ động khi thai kỳ được 38 tuần 5 ngày. Can thiệp sớm sau sinh là điều kiện tiên quyết để bé được cứu sống sau sinh và chịu đựng được cuộc mổ điều chỉnh sau đó”.  

Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật

Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật

Hồi phục một cách thần kì

Ngày 21/11/2019, chị X. được chỉ định mổ lấy thai. Bé gái nặng 3,45kg sau khi cắt rốn và ổn định hô hấp thì ngay lập tức được chuyển sang Phòng Can thiệp nội mạch (DSA) để cấp cứu. PGS.TS.BS Lê Minh Khôi – Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Kỹ thuật cấp cứu cho bé là phá vách liên nhĩ bằng bóng qua da thông qua can thiệp dưới siêu âm tim và soi tia. Đây là bước chuẩn bị để bé có đủ sức trải qua một cuộc phẫu thuật chuyển gốc động mạch lớn tiếp theo.”

Ngày 29/11/2019, bé được 8 ngày tuổi, ThS.BS Cao Đằng Khang – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cùng ê-kíp tiến hành phẫu thuật chuyển gốc động mạch cho bé. Công tác gây mê – hồi sức và chạy máy tuần hoàn máu bên ngoài cho trẻ nhẹ cân cũng là một thử thách lớn trong quá trình phẫu thuật. 

Tình trạng sức khỏe của bé hồi phục một cách thần kì, không xảy ra hiện tượng viêm phổi, nhiễm trùng nặng, suy thận, suy gan… hay những rủi ro đối với trẻ sơ sinh sau mổ. Hiện tại, sức khỏe của bé đã ổn định, có thể tự bú sữa và đã được xuất viện

Các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên tầm soát thai đầy đủ theo từng chu kỳ của thai nhi nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, bệnh lý bẩm sinh. Khi phát hiện bất thường, thai phụ nên đến thăm, khám tại các Bệnh viện, Trung tâm có đủ máy móc, khả năng để chẩn đoán, tránh lãng phí thời gian vàng trong điều trị. Như trong trường hợp này, thai phụ không xuất hiện bất kì triệu chứng bất thường nhưng thai nhi lại có. Nếu không được tầm soát và chẩn đoán sớm, cả mẹ và bé sẽ không được theo dõi sát sao, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.  

Theo Đời sống
back to top