Tổn thương gai vị giác vì dụng cụ cạo lưỡi

Các chuyên gia khuyến cáo, cách làm này chỉ hạn chế một phần hôi miệng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương lưỡi, trong đó có ảnh hưởng đến vị giác.

Cật nứa cạo lưỡi mỗi ngày

Bà Nguyễn Thị Lộc (Hà Nội) vốn là người sạch sẽ nên khâu vệ sinh răng miệng rất được chú trọng. Mỗi ngày, ngoài đánh răng bà còn dùng nạo để cạo sạch các vết mảng bám trên lưỡi. Bà chia sẻ, cách làm này sẽ giúp lưỡi sạch, ăn uống không những sạch mà còn tránh hôi miệng.

Dụng cụ cạo lưỡi của bà không phải là sản phẩm gì to lớn, thay vào đó đơn giản chỉ là một chiếc que làm bằng cật nứa được chuốt mỏng. Mỗi lần đưa vào cạo, bà chỉ cần uốn cong chiếc que này, sau đó rửa sạch là được.

Có thể gây tổn thương gai vị giác nếu dùng dụng cụ cạo lưỡi không phù hợp. Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Đình Minh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung Ương cho hay, lưỡi bẩn chỉ là một nguyên nhân gây hôi miệng. Bởi lưỡi có các gai, khi ăn uống, các gai này có thể làm thức ăn bị lắng lại trên bề mặt.

Nếu không được vệ sinh sạch, các thức ăn này sẽ bị vi khuẩn trong khoang miệng phân hủy dẫn đến điều kiện gây hôi miệng. Bên cạnh thức ăn bám trên lưỡi, có nhiều nguyên nhân khác cũng gây hôi miệng như thức ăn thừa bám ở chân răng, ảnh hưởng của bệnh dạ dày…

Vì thế, việc vệ sinh lưỡi để làm sạch miệng, chống hôi răng là việc cần làm. Tuy nhiên, không vì thế mà sử dụng những cách không khoa học để dẫn đến tổn thương lợi. Trong đó dùng vật sắc như cật nứa, tre để cạo vết bẩn trên lợi là một trong những điều đó.

“Sau khi cao lưỡi chúng ta cần súc lại nước muối hoặc nước trắng một vài lần để làm sạch. Nước muối sẽ giúp tăng sự sát khuẩn, nhưng nếu ở điều kiện bình thường nước trắng cũng có thể được giúp đẩy các mảng bám ra, từ đó hạn chế vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên, để phòng tránh hôi miệng cần kết hợp làm sạch răng, khoang miệng khi cạo lưỡi”.

BS Cao Hoàng Yến

Tổn thương vị giác, rách lợi

Phân tích cụ thể, PGS.TS Vũ Đình Minh cho hay, các gai ở lưỡi không chỉ đơn thuần là giúp thức ăn bám mà ở đó có chứa những hệ thống vị giác. Trong khi cật nứa, tre là những vật mỏng và cạnh sắc, nếu sử dụng để cạo lưỡi có thể gây nên tình trạng gây tổn thương gai lưỡi này. Tổn thương được ghi nhận như vị giác bị hạn chế, đồng thời, nguy cơ chảy máu lưỡi.

Đồng quan điểm, ThS.BS Cao Hoàng Yến, Bộ môn Nha chu, Viện Đào tạo răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội cho hay, trên lưỡi có các gai vị giác để giúp chúng ta cảm nhận nóng lạnh, chua cay mặn ngọt của thức ăn.

Nếu dùng vật sắc để cạo lưỡi vô hình trung sẽ làm tổn thương các gai vị giác này, từ đó dẫn đến các cảm nhận về thức ăn cũng bị giảm. Khi lưỡi bị ảnh hưởng sẽ gặp những khó khăn trong quá trình phục hồi.

Dùng dụng cụ cạo lưỡi tốt vừa làm sạch lại hạn chế tối đa việc ảnh hưởng các tổn thương gai lưỡi.

Do đó, các chuyên gia cho hay, hiện nay trên thị trường có nhiều dụng cụ làm sạch lưỡi được nghiên cứu kỹ cấu trúc lưỡi nhằm làm sạch mà hạn chế tối đa việc ảnh hưởng các tổn thương gai lưỡi.

Ví dụ, các dụng cụ làm bằng nhựa hoặc cao su, có độ mềm cũng như tròn cạnh. Các dụng cụ này giá cũng khá rẻ để phù hợp với người dân. Vì thế, đầu tiên cần thay thế cho que nứa, tre cạo lưỡi mà nhiều người vẫn dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, khi dùng các dụng cụ này dù đã được nghiên cứu kỹ cũng cần lưu ý rằng: Mỗi ngày có thể cạo lưỡi một lần nhưng chỉ nên dùng lực vừa phải để cạo lưỡi. Tránh tình trạng dùng lực mạnh, cọ xát quá kỹ làm cho lưỡi bị tổn thương ngược lại.

Đối với những người đang bị một số bệnh về lưỡi như viêm loét lưỡi, lưỡi nhiễm nấm… không nên sử dụng. Thay vào đó cần thăm khám bác sĩ để điều trị bệnh cũng như được hướng dẫn cách vệ sinh hợp lý.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top