Tô mộc thông kinh huyết, giảm sưng tốt cho phụ nữ.
Tô mộc thuộc loại cây gỗ to, có thể cao tới 14m, thân và cành có gai, gỗ màu đỏ nâu. Lá mọc cách, kép 2 lần lông chim chẵn, có tới 12 – 14 đôi lá chét, phiến lá chét nhỏ gần như hình thang. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, màu vàng, hình cánh bướm. Quả loại đậu, dẹt, vỏ cứng, có sừng nhọn. Ở đầu quả, trong chứa 3 – 4 hạt, màu nâu. Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi như: Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…
Theo Đông y, Tô mộc có tính bình, vị ngọt, mặn hay hơi cay có tác dụng hoạt huyết, thúc đẩy kinh nguyệt, chỉ thống giảm sưng. Trong cây tô mộc có chứa một số thành phần hóa học như axit galic, tanin, chất sappanin, chất brasilin và tinh dầu. Tô mộc được dùng chữa bệnh phổ biến với một số bài thuốc như sau:
Ngã, chấn thương tụ máu đau (Bát ly tán): Xạ hương 0,4g, Tô mộc 15g, Chế phàn mộc miết 4g, Huyết kiệt đều 10g, Hồng hoa 8g, Đinh hương 2g, làm thuốc tán, mỗi lần uống 3g – 4g, ngày 2 lần, uống với rượu. Tô mộc sấy khô tán bột, rắc vào vết thương cầm máu.
Chữa chứng kinh nguyệt không đều hoặc sinh xong đau bụng từng cơn: Tô mộc 10g, Huyền hồ sách 6g, Sơn tra 10g, Hồng hoa 3g, Ngũ linh chi 8g, Đương qui thân 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Sinh đẻ xong huyết ra nhiều: Tô mộc 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày. Nói chung điều trị bụng đau do huyết ứ, dùng Tô mộc thường phối hợp với Hồng hoa, Đương qui, Xích thược.
Chữa chứng phụ nữ huyết trệ, kinh bế, bụng đau (Thông kinh hoàn): Xích thược, Qui vỹ, Ngưu tất, Đào nhân đều 10g, Sinh địa 15g, Hổ phách 1,5g, Xuyên khung, Hồng hoa, Tô mộc đều 6g, Hương phụ, Ngũ linh chi đều 8 g, hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 – 3 lần.
Lưu ý không nên cho phụ nữ đang mang thai sử dụng Tô mộc để chữa bệnh.
BS Nguyễn Thị Tuyết Lan (Viện nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc)