Tin lời quảng cáo "nâng ngực không đau", nhiều chị em phải nhập viện

Gần nửa tháng sau khi thực hiện phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” chị T. cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường. Người phụ nữ sau đó đã tới Bệnh viện 108 khám.

Ngày 12/4, trao đổi trên An ninh Thủ đô, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, viện này đã liên tục tiếp nhận các trường hợp nữ bệnh nhân “nâng ngực đệm mô lipid”, “nâng ngực bằng sóng xung kích” tới khám trong tình trạng ngực đau và có hai khối cứng tại ngực.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân T.H.T (30 tuổi, Thanh Hoá). Do tự ti với “vòng một” quá nhỏ, sau khi tìm hiểu, chị T. biết tới phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” không cần phẫu thuật, ngực đẹp nhanh và chi phí chỉ 10 triệu đồng. Vì thế, chị quyết định tới một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện.

Chị T. kể, trước khi thực hiện nâng ngực, thẩm mỹ viện cam kết nâng ngực không xâm lấn, không dùng thủ thuật,.... Chỉ dùng máy tác động bên ngoài để kích các mô mỡ ngực phát triển. Sau đó, sẽ cấy mô lipid nhập khẩu vào mô mỡ dưới da.

Một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 108 do biến chứng sau nâng ngực - Ảnh: ANTD

Một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 108 do biến chứng sau nâng ngực - Ảnh: ANTD

Tuy vậy, trong quá trình được gây tê để tiến hành thủ thuật, chị T. thấy nhân viên thẩm mỹ viện tiêm khoảng 10 xilanh dung dịch có màu trắng vào người. Sau thủ thuật, chị T. có yêu cầu spa cho biết chất lỏng đã tiêm vào người chị là gì nhưng nhân viên của cơ sở thẩm mỹ viện từ chối trả lời với lý do đó là sản phẩm độc quyền của bên họ, không thể tiết lộ.

Sau khi nâng ngực được nửa tháng, chị T. đến Bệnh viện 108 khám vì thấy ngực có hai khối cứng bất thường.

Một trường hợp khác là chị B.T.H (26 tuổi, Hà Nội) đến một spa để nâng ngực bằng phương pháp sóng xung kích.

Theo chị H., chi phí ban đầu là 100 triệu, nhưng sau khi gây mê, nhân viên nói chị có bệnh ở ngực, nên phải tăng thêm 50 triệu. Chị H. cũng không biết, mình được cơ sở spa tiêm thuốc gì vào người.

Vài ngày sau, chị thấy đau nhức vùng ngực. Đi kiểm tra tại phòng khám tư, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy xuất hiện các ổ dịch phía sau, bên trong và xung quanh nhu mô tuyến vú hai bên. Vì thế chị đến Bệnh viện 108 để khám.

Tương tự, tại Bệnh viện E cũng vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện vì đi nâng ngực bằng sóng xung kích ở thẩm mỹ viện. Người phụ nữ này nghe lời quảng cáo, chi 80 triệu đồng để đi đại tu vòng 1. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, chị này cũng phát hiện cơ sở làm đẹp tiêm chất lạ vào ngực mình nên đã yêu cầu nhân viên của thẩm mỹ viện dừng thủ thuật.

Sau đó, chị cảm thấy bên trong ngực của mình có rất nhiều chất lỏng, dạng gel. Nữ bệnh nhân đã mời công an tới làm việc. Sau đó, chị tới bệnh viện E khám.

Tại viện, bác sĩ phát hiện vùng ngực 2 bên có vết tiêm với kích thước lớn, tấy đỏ, khi sờ vào thấy cục, khối lổn nhổn trong mô. Hình ảnh trên siêu âm thấy có khối tụ dịch lẫn khí nằm rải rác, lan tỏa trong mô vú, có khối nằm ở rất sâu. Bác sĩ chẩn đoán biến dạng ngực do tiêm chất lỏng, nghi là chất làm đầy, nguy cơ hỏng ngực nếu không điều trị kịp thời. Bệnh nhân được hút dịch lỏng, kết hợp dùng kháng sinh, giảm viêm…

Trao đổi trên báo Công an Nhân dân, TS.BS Phạm Ngọc Minh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện 108 khuyến cáo, chị em làm đẹp để bản thân thấy tự tin hơn là nhu cầu rất chính đáng. Chị em khi quyết định muốn cải thiện “vòng 1” cần phải trang bị hiểu biết cơ bản về các phương pháp nâng “vòng 1” phổ biến như: Độn túi hoặc cấy mỡ tự thân. Nếu chọn nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì phải được công nhận bởi Bộ Y tế, hoặc chứng nhận FDA. Trường hợp nâng ngực bằng mỡ tự thân thì cần được tư vấn và tiến hành bởi các bác sĩ và bệnh viện uy tín.

“Hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Tuyệt đối tránh ham rẻ mà nghe quảng cáo đưa các chất lạ vào cơ thể dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng”, báo Công an Nhân dân dẫn lời TS.BS Phạm Ngọc Minh nói thêm.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top