Tiêu chảy cần bổ sung kẽm

(khoahocdoisong.vn) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tiêu chảy là nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến tử vong cho trẻ em tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Ước tính, trẻ dưới 2 tuổi đều bị tiêu chảy 2- 3 đợt/ năm. Trẻ lớn đi học, ăn uống không đảm bảo cũng dễ bị tiêu chảy.

Kẽm giúp phục hồi biểu mô ruột

Nói đến tiêu chảy là nghĩ ngay đến bệnh nhiễm trùng đường ruột. Nhiễm trùng gây ra bởi một số ký sinh trùng, vi khuẩn thâm nhập vào hệ tiêu hóa do ăn phải thức ăn ôi thiu và thực phẩm bẩn hoặc môi trường sống kém vệ sinh... Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bệnh tiêu chảy ở trẻ em như việc sử dụng kháng sinh kéo dài, trẻ bị hội chứng ruột kích thích, trẻ ăn uống không hợp lý, ngoài ra còn một nguyên nhân khác, đó là trẻ thiếu kẽm.

Theo Bộ Y tế, kẽm là một vi chất rất quan trọng cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Kẽm cũng có vai trò rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ. Hơn nữa, nó có tác dụng tốt trong việc hồi phục biểu mô ruột, vì thế, việc bổ sung kẽm trong tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết. Các nghiên cứu đều đã chứng minh, khi bệnh nhân bị tiêu chảy mà được bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng phân, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh so với những người bị tiêu chảy mà không dùng kẽm. Chưa kể, việc dùng kẽm trong dự phòng, bổ sung đủ kẽm cũng làm giảm tỷ lệ tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho người bệnh sẽ bắt buộc phải bổ sung kẽm.

Trẻ dưới 1 tuổi dễ thiếu kẽm

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng QG, kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu đã chứng minh khoảng 30 - 40% trẻ em < 1 tuổi bị thiếu kẽm. Thiếu kẽm có liên quan chặt chẽ với bệnh tiêu chảy. Một số cơ chế tác dụng tốt của kẽm với cơ thể như kẽm làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống các tác nhân gây bệnh, kẽm giúp cơ quan tiêu hóa phát triển góp phần lập lại quá trình hấp thu bình thường của ruột vốn bị rối loạn trong thời gian tiêu chảy, kẽm làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ biếng ăn... Do vậy, việc bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết.

Việc bổ sung vào phác đồ điều trị tiêu chảy cho trẻ em dưới 6 tháng 10 mg kẽm/ngày và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là 20mg kẽm/ngày, liên tục trong 10 - 14 ngày, kết hợp với dùng ORS có độ thẩm thấu thấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên thực tế đã thấy rất hiệu quả và làm giảm đi mức độ trầm trọng của căn bệnh này. Ngoài ra, kẽm còn giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Kết quả của các nghiên cứu đều đã chứng minh, khi bệnh nhân bị tiêu chảy mà được bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng nước trong phân, số lần đi ngoài, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh so với những trẻ bị tiêu chảy mà không được dùng kẽm. Trong điều trị dự phòng, bổ sung đủ kẽm cũng làm giảm tỷ lệ mắc mới tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho trẻ em bắt buộc phải bổ sung kẽm. Ngoài ra, có thể phối hợp với bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin A... để giúp tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, kẽm có vai trò rất quan trọng trong điều trị tiêu chảy trẻ em. Để không bị thiếu kẽm nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm. Chú ý cho trẻ ăn thức ăn có nguồn gốc động vật (trai, hến, thịt gà...), uống bổ sung khi trẻ có biểu hiện thiếu kẽm (cần khám và tư vấn bác sĩ dinh dưỡng trước khi dùng). Khi trẻ bị tiêu chảy các bà mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, đánh giá tình trạng mất nước, chẩn đoán nguyên nhân và hướng dẫn cách chăm sóc điều trị, không nên tự ý dùng thuốc.

Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..), giá đỗ cũng giàu kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2 - 3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9 mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, để thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và kéo dài tới 2 tuổi, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top