Tiền nhân xử tội tham nhũng – Kỳ 2: Lê Thánh Tông nghiêm trị tội tham nhũng

Lê Thánh Tông nghiêm trị tội tham nhũng cho thấy v

Vua Lê Thánh Tông.

Định tội không phân biệt giàu nghèo, cao thấp

Đỗ Tông Quai, Thượng thư bộ Hình làm quan mà ăn của đút; Nguyễn Như Đỗ, Thượng thư bộ Lại giữ việc tuyển cử mà làm mất sự chính đáng, đều giao xuống pháp ty, xét xử, trị tội theo luật định.

Còn như, quan lại kiếm cớ để đút lót, hối lộ, kết bè, kết đảng với những bộ phận đảm trách pháp luật thì bị xử rất nặng.

“Sắc dụ cho các quan văn võ: Người nào không phải là thân thuộc của người vệ Cẩm y, Kim ngô và các vệ ty Thần vũ, Điện tiền, Hiệu lực, Tráng sĩ mà mượn cớ để biếu tặng, đi lại, chè chén, cầu kết bạn, cùng là người trong các vệ, ty mà kết bạn với họ, đều phải bắt giam giao cho đình úy xét tội.

Quan ngoài mà kết giao với quan trong thì xử tội chém. Quan cai quản không biết mà xét tâu lên thì xử tội đi đày”.

Khi đã mắc vào tội tham ô, tham nhũng thì việc định tội không phân biệt hay căn cứ vào giàu nghèo hay chức trọng, chức hèn kém.

Ngay cả bộ phận quan lại thuộc hàng nhất phẩm, quan lại có nhiều công trạng, quan giữ các chức trọng thần triều đình, giữ chức Thượng thư các bộ nếu có hành vi tham ô, tham nhũng thì cứ chiếu theo luật mà định tội:

“Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều là thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm công cán công bằng đáng phải luận bọn này vào tội tử hình”.

Trường hợp của Lê Bô cũng là một biểu hiện của nguyên tắc này: Lê Bô phạm tội tham tang, phải buộc vào tội hình. Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội.

Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: Trần Phong xin cho người can tội tham tang được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội, thế là Trần Phong dám làm trái cả phép tắc của tổ tông… Vậy hạ lệnh cho pháp ty xét xử trị tội theo những luật định” .

Người quản lý cũng chịu xử như tội tham ô

Quan lại khi đảm nhận trách nhiệm quản lý địa hạt của mình hay giữ các chức vụ mà để người dưới lộng quyền, lộng hành, tơ hào đến của dân thì người quản lý cũng chịu xử như tội tham ô:

“Thiệt, giữ chức Tây quân đô đốc, cho binh sĩ dưới quyền mình đi tuần ngoài biên giới, dọa nạt người Châu Thoát để lấy bạc, việc này bị phát giác cho nên bị bãi chức”.

Không những thế, quan lại dung túng, quản lý không nghiêm để thân nhân làm bậy, quấy nhiễu, vơ vét dân lành thì cũng không tha…

Bên cạnh biện pháp cứng rắn, Lê Thánh Tông luôn khuyên răn các quan tận tâm vì công việc, lo cho việc nước, việc dân, bài trừ tệ tham nhũng.

Trong dụ bảo Trần Cư Đạo, vua truyền: “Trẫm từ bé cùng nhà ngươi giao du, kịp khi trẫm lên ngự ngôi báu, nhà ngươi chầu chực ở Kinh Diên, nói về nghĩa vụ là vua với tôi, nói về tình như cá với nước, nhà ngươi phải hết lòng, hết sức, mong cố báo đền ơn nước, chí công vô tư, ngăn ngừa sự đút lót, như thế trẫm sẽ là một ông vua biết người, mà nhà ngươi là một bầy tôi tận trung với nước, bản thân được vinh hiển, danh tiếng được vang dội lắm sao?”.

Ngay cả khi biết quan lại có hành vi tham ô, tham nhũng đối với những người có tài, có nhiều đóng góp mà tội nhẹ, Lê Thánh Tông tạo điều kiện cho họ sửa đổi, cho phép họ có điều kiện chuộc lỗi và tiếp tục cống hiến cho đất nước…

Nghiêm trị tội tham ô, tham nhũng dưới thời Lê Thánh Tông là sự gắn kết nhiều hình thức, biện pháp, vừa mang tính nghiêm minh, vừa khoan dung, rộng rãi. Chính vì vậy đã có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế tội tham ô, tham nhũng.

(còn nữa)

 Nguyễn Bảo Nam

Theo Đời sống
back to top