Thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn nhiều khó khăn

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 14/10, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Nghiên cứu và Phát triển công nghệ, sở hữu trí tuệ” với chủ đề phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là tổ chức nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với gần 4.000 nhà nghiên cứu KH&CN từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, Viện không chỉ dẫn đầu trong nghiên cứu cơ bản trong cả nước mà còn không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thể hiện qua sự tăng trưởng liên tục số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, năm sau cao hơn năm trước.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Liên tục trong 3 năm gần đây, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hằng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mà tiêu biểu cho thời gian gần đây có thể kể đến thực phẩm chức năng NaturenZ hỗ trợ chức năng gan; Nanocircumin bảo vệ dạ dày; Fuicodan (rong biển) sử dụng trong thuốc CumarGoldKare hỗ trợ điều trị ung bướu, giảm tác dụng phụ của hóa, xạ trị… Trong nông nghiệp, nhiều nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã được thương mại hóa như quy trình lai tạo giống, sản xuất vaccine, sản phẩm dưỡng chất nano (ngành nông nghiệp). Ngoài ra còn có vật liệu mới ứng dụng trong an ninh quốc phòng, sơn chống cháy, các vật liệu mới thân thiện môi trường và công nghệ sinh - hóa xử lý rác, nước thải sinh hóa.

Nhiều kết quả nghiên cứu tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng song lại có tính ứng dụng rất cao: kết quả quan trắc động đất cảnh báo sóng thần; kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ; hệ thống xử lý thải bệnh viện, nhà máy…

“Tuy đã đạt được những thành quả nhất định, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn còn khó khăn đối với cả doanh nghiệp và nhà khoa học. “Nhà khoa học rất thiếu điều kiện tài chính để phát triển sản phẩm công nghệ, thiếu các chính sách và khoản đầu tư cho phát triển và kiểm nghiệm sản phẩm”, TS Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu cho biết.

Theo TS Hà Phương Thư, để các kết quả nghiên cứu thương mại hóa được, nhà khoa học cần các nguồn tài chính thiết thực hơn.

Theo Đời sống
back to top