Thương dân, dân lập miếu thờ - kỳ 2: Đỗ Thúc Tĩnh mộ dân lập ấp

(khoahocdoisong.vn) - Đỗ Thúc Tĩnh mộ dân lập ấp nên từ lúc còn đương chức, đã được đánh giá cao công trạng. Vua Tự Đức có dụ rằng: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm, được việc, hơn cả trong đám phủ huyện..."

Khai hoang lập ấp

​​​​​Đỗ Thúc Tĩnh, quê La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, sinh năm Mậu Dần 1818, đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ 1846, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thân 1848. Sau đó được bổ làm Tri phủ phủ Thiệu Hóa, Thanh Hóa, rồi Tri phủ phủ Diên Khánh, Khánh Hòa năm 1853.

Vùng đất Khánh Hòa nổi tiếng lắm cọp nên có câu: “Cọp Lúc còn đương chức, đã được mọi tầng lớp trong xã hội nhận xét, đánh giá rất cao công trạng. Vua Tự Đức có dụ rằng: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm, được việc, hơn cả trong đám phủ huyện, chuẩn cho y thực thụ hàm Thị độc, vẫn cứ lãnh Tri phủ phủ ấy, để khuyến khích người tuần lại”.Hòa, ma Bình Thuận”.

Do nạn cọp hoành hành nên dân xiêu tán, đất đai bị bỏ hoang. Đỗ Thúc Tĩnh đã mộ được hơn 150 nhân đinh, xin thiết lập làm 4 thôn, những khe núi, khe rừng rậm dân người Kinh không dám cày cấy khai khẩn, thì mộ được hơn 10 người dân Chi Man (tên một bộ lạc Man) khai khẩn, tùy tiện làm ăn sinh sống, xin nộp thuế theo như sách Man trước. Tỉnh thần đem việc tâu lên. Vua cho là phải.

Tháng chạp năm Ất Mão (dương lịch là năm 1856), Đỗ Thúc Tĩnh được đổi bổ vào làm thự Viên ngoại lang bộ Binh. Tỉnh thần cho là viên ấy đương mộ dân lập đồn điền đã gần được thành công, xin lưu viên ấy ở lại chức ấy để làm nốt công việc chưa làm xong. Vua y theo.

Năm 1858, Đỗ Thúc Tĩnh được thăng Án sát tỉnh Khánh Hòa, đến tháng chạp năm Đinh Tỵ (dương lịch là năm 1858), ông mộ dân lập được 3 thôn, với 143 người, 242 mẫu ruộng.

Năm 1859 Đỗ Thúc Tĩnh tiếp tục được thăng Bố chánh tỉnh Khánh Hòa là chức quan đứng đầu tỉnh. Ngoài việc chiêu dân khai hoang lập ấp, Đỗ Thúc Tĩnh còn  khuyến khích các nhà hằng tâm hằng sản làm từ thiện, bỏ tiền ra mua đất, cất đình làng, mua từ khí, sửa chữa chùa, xây cầu, lập chợ, cứu giúp dân nghèo đói…

Cần- cán- công- liêm

Người xưa nói: “ Cái quan định luận” nhưng với Đỗ Thúc Tĩnh thì khác. Lúc còn đương chức, đã được mọi tầng lớp trong xã hội nhận xét, đánh giá rất cao công trạng. Vua Tự Đức có dụ rằng: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm, được việc, hơn cả trong đám phủ huyện, chuẩn cho y thực thụ hàm Thị độc, vẫn cứ lãnh Tri phủ phủ ấy, để khuyến khích người tuần lại”.

Đại Nam liệt truyện ghi: “ Bấy giờ Diên Khánh đất bỏ hoang, dân hao mòn, Thúc Tĩnh tìm mọi cách vỗ về, mộ dân xiêu đến lựa đất cho ở, làm nhà cửa cho, cấp cho điền khí, kẻ ốm đau thời thuốc thang, kẻ đói rét thời chẩn cấp được người ta gọi là Đỗ phụ”.

Bia đá khắc năm 1858 hiện ở Văn miếu Diên Khánh ca ngợi: “Tự Đức lục niên, ngô châu Thái thú, hiện thăng lãnh tỉnh đường Án sát sứ Cấn Trai Đỗ Thúc Tĩnh, lai sĩ ngô thổ, cần, cán, công, liêm lại -  dân tín ái kiêm dĩ duyệt văn trường ư phong thủy” Thật khó mà tìm một vị quan nào được nhà vua khen là thanh liêm và quan- dân đều tín nhiệm ái mộ khi đang còn đương chức.

Đỗ Thúc Tĩnh mất năm Nhâm Tuất 1862, Vua nghe tin đã than tiếc và châu phê: “Người ngay có tài chẳng may bị chết sớm, bộ máy nhà nước bị trở ngại, cũng nên biết vậy! Người mà không có tay chân giúp phỏng làm được việc gì đây. Chỉ biết nuốt nước mắt khóc mà thôi”.

Tiếp đó sắc chỉ của nhà vua: “truy tặng Đỗ Thúc Tĩnh quan hàm Tuần phủ Định Tường, phải chiếu theo quan hàm này mà cấp tuất cho trọng hậu, lại cấp thêm gấm bông 1 tấm, lụa 5 cây, vải 10 cây, bạc 80 lạng do tỉnh thần Quảng Nam là nguyên quán của Đỗ Thúc Tĩnh chi xuất các hạng vật nói trên…”Đỗ Thúc Tĩnh thật sự là một vị quan có tiếng cần - cán - công- liêm được Vua- Quan - Dân tín nhiệm và ái mộ.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top