Câu hỏi của cô trở thành chủ đề thảo luận ngày hôm đó. Indonesia nằm trên “Vành đai lửa” của Thái Bình Dương, hứng hàng chục cuộc động đất và núi lửa rúng động mỗi năm. Phóng viên Indonesia có khi phải bay đến hòn đảo xa xôi cách họ đến hai múi giờ - vẫn trong cùng lãnh thổ - để tường thuật.
Họ mắc kẹt hàng chục ngày khi hòn đảo bị chia cắt hòan toàn và chỉ chực chờ vào không quân đưa hàng cứu trợ đến. Chúng tôi, những khách lạ từ vài nước Đông Nam Á khác, không thể hiểu đời sống đầy bất định họ phải đối mặt hàng ngày giữa đại dương.
Thành phố Palu vừa hứng chịu động đất và sóng thần. Bức không ảnh với hàng ngàn ngôi nhà nát bấy. Cây cầu màu vàng tươi bắc qua hòn đảo nhỏ oằn gãy thành nhiều đoạn. Đền thờ Hồi Giáo với mái vòm sụp đổ. Thân thể người gục xuống và được kéo lên từ bãi đổ nát. Hàng ngàn người đã mất nhà cửa, hàng ngàn người chết chỉ sau vài chớp mắt. Tôi thấy tim mình thắt lại.
Suốt tháng Tư đến tháng Chín năm nay, tôi đã sống ở đất nước này. Tôi nhìn thấy thảm họa tự nhiên như một phần can dự vào đời sống hàng ngày của họ. Ở cái đuôi sát biển tại tỉnh West Java, người chủ nhà tên Ustad một đêm thấy tôi đi dạo trên biển đã dặn: “Đêm nay có cảnh báo sóng thần. Buổi tối cô nhớ nghe tiếng kẻng báo nhé”.
Hôm ấy biển Java trở mình, đảo Lombok gần đó đã đổ nát với trận động đất khiến gần 550 người chết. Mỗi đoạn đường trong làng đều có chòi canh với kẻng gỗ. Đó là trạm báo sóng thần. Khi tất cả radio, điện thoại, tivi bị ngắt kết nối, dân làng sẽ gõ kẻng để kêu gọi di tản.
Một chiều đi bộ ở làng đánh cá, tôi lạc vào nghĩa trang. Một mảnh đất nhỏ xíu với những bia mộ con con. Người Hồi Giáo không có thói quen làm lăng mộ to ở những ngôi làng như vậy. Nhưng ngay sau nghĩa trang, là đường hẹp dẫn lên một quả đồi. Khối đất khổng lồ đó cứ dài thêm và cao thêm mãi, đẩy người đi vào một không gian bí mật che phủ bởi những tàng cây dày đặc xanh biếc.
Đó là đường lên đồi tránh sóng thần. Quả đồi nằm im như con khủng long khổng lồ, chỉ đợi đến khi thiên nhiên gọi mới ngửa cổ gầm lên lời hiện diện.
Ở những huyện ven biển West Java hay Bali, bất kỳ chỗ nào cũng có đường mòn tránh sóng thần. Mọi quả đồi không bị san phẳng mà gia cố, giữ nguyên, thêm đường mòn. Đó là cách người Indonesia tự vệ.
Chiều nay, trên bản tin tàn phá của cơn sóng dữ, tôi đọc thấy một dòng tưởng niệm trên trang Twitter của Cơ quan Kiểm soát Không Lưu Indonesia (AirNav) tại thành phố Palu với bức ảnh một chàng trai trẻ. Chàng thanh niên 21 tuổi đã chọn ở lại để hoàn thành nhiệm vụ giúp một chiếc máy bay chở hành khách cất cánh an toàn ngay trước cơn sóng thần.
Anh chết trong bệnh viện sau khi nhảy xuống từ Đài kiểm soát không lưu ở sân bay Palu vì nghĩ tòa tháp đang sụp xuống. “Anh hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ”... “Người anh em Anthonius Gunawan Agung hãy yên nghỉ”.
Người Indonesia dạy tôi về đối thoại với biển. Từ kết giao không lời mà người đánh cá hiểu được con sóng dập dềnh hay sắc sảo, nghe được ưu đòi hay phiền não của đàn cá đang ngước nhìn đáy thuyền từ nước xanh, đến việc biết dừng lại để hiểu đại dương là hiện thực không hề khoan nhượng. Có lẽ đó là cách người Indonesia sống cạnh những bất an vĩ đại mà mẹ thiên nhiên đè nặng lên đôi vai họ. Họ là người đại dương.
Nhưng đó là đối thoại giữa những đứa con yếu ớt với vị thần đại dương khổng lồ, với con sóng cao vài chục mét hay trận động đất nâng cả hòn đảo lên hàng centimet. Vẻ đẹp xanh biếc kỳ diệu đó của hàng trăm hòn đảo thình lình sẽ có thể bóp vỡ con người, thành thật và tàn bạo nhất có thể.
Nhưng cũng ở đó, người Indonesia sống không khoan nhượng. Họ yêu đời như sắc màu của vô vàn lễ hội, điệu múa, trang phục. Họ thờ phụng và kính ngưỡng. Họ thấu hiểu điều được ban tặng và nghĩa vụ sống cùng đại dương. Cô bạn phóng viên của tôi kể: Người sống sót trên đảo thường có những buổi khóc than chung. Họ không giấu giếm niềm bất hạnh. Những giọt nước mắt đó cũng giúp tâm hồn cô được hàn gắn sau hàng chục chuyến đi, về đối diện với thảm họa ở Vành đai lửa Thái Bình Dương này.
Những ngày này, tôi sẽ cầu nguyện cho người dân Indonesia, như cách họ cầu nguyện và chuyện trò với đại dương – những đối thoại đầy quả cảm.
Nhưng sau lời cầu nguyện, tôi còn một suy nghĩ khác về công tác dự báo thiên tai. Nhà chức trách nước này thừa nhận đã có sai sót khiến họ dỡ bỏ cảnh báo ngay trước khi những cột sóng dữ ập vào thành phố Palu trên đảo Sulawesi và nó theo “đúng quy trình”. Rất nhiều trục trặc đã xảy ra với công tác dự báo và ứng biến trước và sau thảm họa.
Động đất làm khu vực này bị mất điện, khiến hệ thống liên lạc bị ngưng trệ và hệ thống còi báo động dọc bờ biển không hoạt động, cơ quan dự báo đã gỡ cảnh báo dựa trên kết quả theo dõi hệ thống phao ngoài khơi bằng mắt thường...
Còn sau đó, người dân hỗn loạn vì khủng hoảng lương thực và an sinh. Những khiếm khuyết trong công tác dự báo thời tiết, ứng phó với thiên tai và thảm họa này tương tự những cảnh huống đã xảy ra với nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, không chỉ trong năm nay.
Tháng trước, 27 tỉnh của Việt Nam đã dừng nhiều hoạt động của người dân chỉ vì dự báo về siêu bão Mangkhut không chính xác. Với lý do thiết bị truyền thống, thiếu người... lãnh đạo cơ quan dự báo chưa chỉ ra cách cải thiện vấn đề.
Tôi nhớ lại tiếng kẻng và chòi canh của dân đảo Indonesia, chàng trai kiểm soát không lưu 21 tuổi đã đánh đổi chính mình để cứu được hàng chục sinh mệnh trên một chuyến bay.
Người dân dù ở đâu vẫn tự mình tìm cách vượt qua sự tàn bạo của tự nhiên theo cách của họ. Nhưng đó hoàn không phải cách tốt và bền vững để trả lời cơn giận của đất trời.