Vỏ quýt là một vị thuốc chữa nôn mưa hiệu quả
Nôn mửa do thương thực: Nôn ra mùi chua khắm, ợ hăng, ợ chua, miệng hôi, biếng ăn, bệnh nặng hơn thì đau bụng, đầy bụng, sắc mặt hơi vàng, rêu lưỡi cáu nhờn, mạch hoạt. Phép chữa: Tiêu đạo hoà trung (tiêu hoá thức ăn, điều hoà tỳ vị).
Bài thuốc: Hoắc hương 12g, Vỏ quýt 12g, Củ sả 8g, Vỏ rụt 12g, Gừng tươi 12g (nếu đầy bụng thêm: Hạt củ cải (sao vàng) 12g, Sa nhân 8g). Cách dùng: Các vị cho vào ấm đổ 400ml nước, sắc lấy 200ml. Người lớn chia 2 lần uống. Trẻ em tuỳ tuổi, chia 3 – 4 lần uống.
Nôn mửa do hàn: Thức ăn không tiêu, nôn ra nước trong loãng không hôi khắm, làn nôn ít mà chất nôn ra nhiều, miệng môi xanh trắng, sợ lạnh, đau bụng, liên miên, ruột sôi rong róc, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch trì. Phép chữa: Ôn trung kiện tỳ (làm ấm bụng và khoẻ tỳ vị.
Bài thuốc: Hoắc hương 12g, Tử tô 12g, Củ sả 10g, Vỏ quýt 12g, Gừng khô 8g, Gừng tươi 8g. Cách dùng: Các vị cho vào ấm, đổ 400ml nước, sắc lấy 200ml, người lớn uống cả 1 lần, trẻ em tuỳ tuổi chia 3 – 4 lần. Có thể tán bột mà dùng.
Nôn mửa do nhiệt: Nôn ra nước vàng đặc, mùi chua khắm, hễ ăn thì nôn ra ngay, lần nôn nhiều mà chất nôn ra ít, khát nước, thích uống nước lạnh, khó ngủ, đi tiểu ít, nước tiểu đỏ, da nóng, mặt đỏ, môi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác. Phép chữa: Thanh nhiệt hoá vị (làm mát và điều hoà vị.
Bài thuốc: Rau má 16g, Hoắc hương 12g, gạo nếp (sao vàng) 16g, gừng tươi 12g, lá dành dành (sao vàng) 8g. Cách dùng: Các vị cho vào ấm, đổ 400ml nước, sắc lấy một nửa người lớn chia 2 lần uống. Trẻ em tuỳ tuổi chia 3 – 4 lần uống. Có thể tán giập, ngâm vào phích mà uống.
Chú ý: Nếu bệnh nhân nôn nhiều, cách cho uống thuốc cần phải từ từ, mỗi lần 1 – 2 thìa con, cách độ 15 – 20 phút lại tiếp tục cho uống, làm như thế là để tránh sự uống nhiều bị nôn ra ngay.
Lương y Vũ Quốc Trung ( Hội Đông Y Việt Nam)