Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ quan điểm về tác phẩm Chí Phèo.
Chí Phèo không là nông dân thì là gì?
Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền đã có bài viết “phân tích một cách khách quan và logic” về tác phẩm Chí Phèo, từ đó đặt ra đề xuất có thể loại tác phẩm này ra khỏi chương trình SGK Ngữ văn lớp 11. Là một nhà nghiên cứu phê bình văn học, ông suy nghĩ gì trước đề xuất đó?
Tôi hết sức ngạc nhiên trước những luận điểm của ThS Nguyễn Sóng Hiền. Ngạc nhiên vì anh là một trí thức có bằng cấp hẳn hoi mà nhận thức hời hợt như thế. Ngạc nhiên vì anh tự cho mình đã phân tích tác phẩm “một cách khách quan và logic” mà thực ra rất chủ quan, tùy tiện và phi logic.
Trong bài viết, ThS Nguyễn Sóng Hiền lại cho rằng, nhiều nhà phê bình văn học mới là người phiến diện, áp đặt, cường điệu hóa, quy chụp, khiên cưỡng… Cụ thể, ở luận điểm thứ nhất, ThS Sóng Hiền cho rằng, nếu nói Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân như nhiều quan điểm phê bình thì “thật mang tiếng cho nông dân mình quá”?
Với Chí Phèo, Nam Cao đã dựng nên hình tượng một nông dân vô cùng cực khổ dưới ách thống trị của thực dân phong kiến ngày trước, khổ ngay từ khi ra đời như một đứa con hoang bị vứt bỏ không thương tiếc ở một lò gạch cũ. Chí lớn lên chuyên đi ăn đi ở cho hết nhà này tới nhà khác trong làng, đến năm 20 tuổi làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vậy anh ta không phải là nông dân thì là gì?
Nhưng liệu bi kịch của Chí Phèo có chỉ như bất kỳ một đứa trẻ không được giáo dục nào khác, dù ở một xã hội có văn minh hơn đi nữa, cũng khó nhận được sự đối đãi công bằng, thậm chí là ngược đãi và lạm dụng. Chứ không phải Chí là sản phẩm của xã hội đó, bị xã hội phong kiến lưu manh hóa, hay bị cường hào ác bá làm hại?
Chí vốn là một nông dân tốt, hết sức lương thiện. Khi làm tá điền cho Bá Kiến, vợ ba Bá Kiến gọi lên bóp chân và gạ gẫm, Chí đã từ chối và khinh bỉ.
Nam Cao đã viết rất rõ: “Hồi ấy hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi lên đấm bóp chân, hắn thấy nhục hơn là thích”.
Như vậy, Chí Phèo chẳng những rất lương thiện, vốn “hiền lành như đất”, mà còn là một nhân cách biết tự trọng nữa. Một nhân vật như vậy mà anh Sóng Hiền lại viết: “Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật là mang tiếng cho nông dân mình quá”.
Nhưng sau này, ai đã làm cho hắn biến chất? Đó là Bá Kiến, y đã đẩy Chí Phèo vào tù một cách oan uổng.
Nỗi uất ức vì bị tù oan, cộng với chế độ nhà tù của thực dân đã làm Chí trở thành một kẻ triền miên say rượu, điên khùng. Bá Kiến đã phát triển thêm tình trạng ấy của Chí Phèo, biến hắn thành con quỷ dữ bằng cách lợi dụng, biến hắn thành công cụ để áp bức dân làng và đối phó với phe cánh cường hào với hắn.
Đây là tội ác cực lớn của tên ác bá, và của cả chế độ xã hội lúc bấy giờ, đã thủ tiêu nhân tính của Chí.
Sao lại gọi cuộc tình Chí Phèo – Thị Nở là vụ cưỡng bức?
Thị Nở chăm sóc Chí Phèo với bát cháo hành, một cảnh trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ảnh Internet.
Nhưng theo ông, Chí Phèo có phải là nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hóa dưới xã hội cũ, hay chỉ là bi kịch cá nhân?
Trong đời sống văn học đương thời, viết về nông dân, không chỉ có Nam Cao. Đọc Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), tưởng như người nông dân ngày xưa không còn nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha.
Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách, thì ta mới biết rằng đây là người nông dân khốn khổ nhất dưới chế độ thực dân phong kiến ở nước ta. Chị Dậu phải bán con, bán sữa, bán chó; anh Pha phải bán sức lao động nhưng còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả bộ mặt người và linh hồn người để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Như vậy phải đánh giá như thế nào về Chí Phèo, Chí là người xấu hay tốt, thưa ông?
Nam Cao vẫn tin ở nhân phẩm, nhân tính, lương tâm của Chí Phèo không bị mất hẳn. Đôi lúc tỉnh rượu, hắn còn nhớ những ước mơ ngày xưa “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”…
Rõ ràng đó là giấc mơ của một người nông dân lương thiện. Nhưng ai đã đánh thức hẳn nhân tính của Chí Phèo? Đó là Thị Nở.
Chứ không phải Thị Nở là nạn nhân của một vụ cưỡng bức như ThS Nguyễn Sóng Hiền nhận định, thưa ông?
Sao lại có thể coi mối tình này là một vụ cưỡng bức? Cuộc tình diễn ra mới đầu dường như là sự ép buộc. Nhưng sau đó, hoàn toàn tự nguyện. Họ còn sống với nhau 5 ngày như một cặp vợ chồng hạnh phúc. Thị Nở không những không oán hận mà còn biết ơn người đã đem đến cho mình hạnh phúc. Thị dìu hắn vào nhà, nấu cho hắn bát cháo hành… Chí Phèo cũng cố uống cho thật ít để cho “tỉnh táo để mà yêu nhau”.
Nam Cao viết: “Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng cũng nhận thấy thế và nhất định là lấy nhau. Như thế là năm ngày chẵn, Thị ở nhà hắn cả ngày lẫn đêm (…). Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau”. Như vậy, làm sao là vụ cưỡng bức được?
Vậy ông lý giải như thế nào về hành vi giết Bá Kiến của Chí Phèo, đó có phải là tội ác, hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Câu nói cuối cùng của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa” đã gọi rất đúng tội trạng của tên ác bá. Tác phẩm kết thúc khi bản chất của một nông dân vùng dậy và bản năng người dân cày bị áp bức đã sáng suốt dẫn dắt anh ta đến thẳng nhà Bá Kiến. Hành vi giết người này chỉ phạm pháp đối với… chế độ thực dân phong kiến!
Tác phẩm Chí Phèo là một đỉnh cao nghệ thuật, tư tưởng rất tiến bộ, sâu sắc, xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa. Có điều tác phẩm không dễ hiểu (ngay một trí thức như ThS Sóng Hiền còn không hiểu), ngoài ra cảnh làm tình giữa Chí Phèo, Thị Nở không có gì sai trái, nhưng không phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông, nên có thể đưa tác phẩm vào bậc cao hơn như cao đẳng, đại học. Nam Cao còn nhiều tác phẩm hay có thể thay thế như Trăng sáng, Đời thừa…
Tác phẩm văn học có thể sống đến muôn đời
Một tác phẩm văn học có thể tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, chúng ta cũng đang khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Ý kiến của ThS Nguyễn Sóng Hiền, theo ông, có nên coi là một cách tiếp cận, hiểu khác đối với tác phẩm Chí Phèo?
Một tác phẩm hay, kiệt tác, người ta gọi là tác phẩm không có đáy, sẽ tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau nhưng thống nhất, chứ không phải đối địch nhau. Có nhiều khía cạnh, mỗi người phát hiện ra một khía cạnh nhưng thống nhất. Khai thác mãi cũng không hết.
Còn ý kiến anh Sóng Hiền không chấp nhận được vì anh hiểu chả đúng gì cả. Đó không phải sự sáng tạo mà là dung tục hóa văn chương. Mà ý kiến sai thì lập luận đúng làm sao được. Đó là ngụy biện.
Thực ra, tôi không muốn bác bỏ riêng từng luận điểm của anh Sóng Hiền. Vì các luận điểm của anh đều gắn với cách hiểu không đúng về một số tình tiết, chi tiết của tác phẩm. Mà những tình tiết, chi tiết ấy đều có liên hệ với nhau trong một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất của tác phẩm Chí Phèo.
Có ý kiến cho rằng, đối với những tác phẩm cũ, thì nên thay thế, để đưa những tác phẩm mang hơi thở thời đại vào cho học sinh dễ tiếp nhận, ông nghĩ sao?
Một tác phẩm văn học có thể sống đến muôn đời, miễn là có giá trị nghệ thuật cao, không thể nói là cũ hay mới. Nhiều tác phẩm thời xưa vẫn có giá trị tư tưởng tới bây giờ, ví dụ như Bình Ngô đại cáo, giáo dục về lòng yêu nước… Hơn nữa, dạy văn còn dạy cả văn học sử, để cho học sinh hiểu về lịch sử cơ mà.
Giả sử đối với một tác phẩm, học sinh có đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau, vai trò của người giáo viên sẽ như thế nào, thưa ông?
Nếu học sinh hiểu đúng thì khuyến khích còn hiểu sai thì phải bác bỏ. Còn để nhận ra thế nào là đúng, sai, thì giáo viên phải có trình độ. Tôi đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức các lớp học bồi dưỡng giáo viên văn ở phổ thông và đại học về khả năng cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học một cách khoa học. Tôi xin cung cấp tư liệu cho những lớp bồi dưỡng này.
Trân trọng cảm ơn ông!
ThS Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường Đại học Newcastle (Australia) mới đây có bài viết cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh. Bởi theo bài viết phân tích, Chí Phèo chỉ đơn giản là đứa trẻ không được giáo dục, không đại diện cho tầng lớp nào. Mối tình giữa Chí Phèo, Thị Nở, về bản chất là một vụ cưỡng bức. Đặc biệt, hành động Chí Phèo đâm chết Bá Kiến là tội ác, hành vi đáng lên án và cách ly khỏi xã hội.
Mai Loan (thực hiện)