Nguy cơ rò điện
Theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, bình nóng lạnh để suốt mùa hè không dùng đến, nhất là với các bình đã có “tuổi thọ cao”, qua sử dụng đến 5-7 năm, khi bắt đầu dùng lại cần được kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn.
Lý do là vì các bình nước nóng đã qua sử dụng lâu năm các linh kiện, thiết bị bên trong như rơle, thanh đốt, thanh magie, gioăng, các khớp nối… có thể sẽ có những vấn đề nhất định ảnh hưởng đến hoạt động của bình, thậm chí gây nguy cơ rò điện, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Bình nước nóng cần được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ (hình minh họa).
Chẳng hạn như, thanh điện trở có thể bị bám cặn trong quá trình sử dụng dẫn đến thời gian làm nóng nước kéo dài hơn, nhiệt độ thanh điện trở càng phải tăng cao làm cát thạch anh bên trong giãn nở gây nở gây nứt vỡ lớp cặn bám, qua đó đồng thời làm nứt vỏ cách điện của thanh điện trở và rò điện ra nước. Nguyên nhân khác cũng có thể là do lớp cách điện của vỏ thanh điện trở bị ăn mòn gây rò điện ra nguồn nước.
Thanh magie, còn gọi là thanh khử cặn trong bình nước nóng, có tác dụng thu các ion oxy và cặn nước, không cho cặn bám vào ruột đun và thành bình. Nếu thanh magie bị hao mòn nhiều, vượt quá mức 60% so với hình dáng ban đầu thì nên thay thanh mới, tránh nguy cơ mất an toàn.
Các van xả và đường ống của bình nóng lạnh cũng có thể bị rò rỉ qua thời gian, do ảnh hưởng của nhiệt độ cao và áp suất. Hiện tượng rò điện còn có thể xảy ra do gioăng cao su cách điện nối giữa dây mayso, vỏ bình và dây dẫn điện đã quá cũ trong suốt quá trình sử dụng.
Những chỗ nứt trên gioăng cao su sẽ gây hiện tượng thấm nước, từ đó dẫn điện ra bên ngoài. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại bình chứa, nếu quá cũ có thể gỉ sét mà sinh ra lỗ hổng gây rò rỉ.
Thay mới khi cần
Sau thời gian sử dụng khoảng từ 5 – 7 năm, máy nước nóng thường bắt đầu có những biểu hiện hỏng hóc, từ những lỗi đơn giản như thanh nhiệt đóng cặn, hỏng gioăng, máy hoạt động phát ra tiếng ồn… cho đến các lỗi phức tạp hơn như rò điện, rò nước, hỏng rơle ngắt, hỏng bảng mạch, rỉ sét làm thủng bình chứa,…
Các lỗi này đều có thể khắc phục sửa chữa, thay thế linh kiện. Người sử dụng trước khi vào mùa lạnh cần chú ý kiểm tra để phát hiện kịp thời và sửa chữa, thay thế, đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của máy.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, khuyến cáo người sử dụng nên cân nhắc khi thiết bị đã quá cũ, phải sửa chữa nhiều, hoặc thay thế nhiều linh kiện thì tốt nhất nên bỏ để thay thiết bị mới. “Các thiết bị điện cũng chỉ có tuổi thọ nhất định. Có những sản phẩm tuy hỏng hóc vẫn có thể sửa để tận dụng, tạm dùng được, nhưng nếu làm bài toán kinh tế sẽ thấy không có lợi”.
KS Bạo phân tích: máy nước nóng khi linh kiện, thiết bị quá cũ hoạt động sẽ kém hiệu quả, làm nóng lâu, tốn điện, đồng thời hay phải sửa chữa, tốn kém lặt vặt, lại không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, sau một vài năm, các hãng lại tung ra thị trường những sản phẩm, thiết bị ứng dụng công nghệ mới sẽ an toàn hơn, thiết kế nhỏ gọn, tinh tế hơn, đồng thời lại tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường.
KS Nguyễn Huy Bạo: Để đảm bảo an toàn trong sử dụng bình nước nóng, người tiêu dùng cần chú ý các quy tắc sau đây.
– Thường xuyên súc rửa, bảo dưỡng bình theo khuyến cáo của nhà sản xuất để giữ tuổi thọ cho các bộ phận của bình, và phát hiện sớm các bộ phận hỏng hóc, cần thay thế. Điều này đặc biệt quan trọng khi bắt đầu sử dụng lại bình nước nóng sau vài ba tháng qua mùa hè không dùng đến.
– Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn là phải ngắt nguồn điện trước khi sử dụng bình nóng lạnh.
– Tránh bật bình 24/24, làm cho dây mayso cũng như một số bộ phận khác, đặc biệt là bộ phận cách điện, bị hỏng do phải hoạt động quá tải. Thói quen này cũng góp phần làm tăng chi phí hóa đơn tiền điện hằng tháng.
Huy Khánh