Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Cốt Đan:  Công dụng “ảo”, đủ chiêu trò tâng bốc

“Thổi phồng” công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe như “thần dược”, sản phẩm Đại Cốt Đan đang được quảng cáo, bày bán trên nhiều kênh bán hàng trực tuyến khác nhau, có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo và trục lợi trên sức khỏe người tiêu dùng.

Dù đã được cảnh báo và tăng cường xử phạt, nhưng thực tế vi phạm về quảng cáo các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) vẫn diễn ra khá phổ biến, công khai, với đủ các chiêu trò “tâng bốc” công dụng.

Quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tiếp đưa ra cảnh báo.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng về việc mua và sử dụng sản phẩm TPBVSK Đại Cốt Đan trên một số trang web. Do các quảng cáo này có chứa nhiều nội dung gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sĩ, lời cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cùng với đó là hàng loạt các website/link: chinhhangdaicotdan.website; daicotdan.com; chinhhangdaicotdan.com/chinhhang; daicotdanchinhhang.com; daicotdan.xyz... cũng có chứa các nội dung quảng cáo vi phạm tương tự.

Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, tại website: https://www.daicotdanchinhhang.com/, sản phẩm Đại Cốt Đan được quảng cáo với công dụng “thần kỳ”: Phục hồi sụn khớp; Tái tạo mô xương hay có thể đẩy lùi viêm khớp hiệu quả gấp 30 lần. Thậm chí, trang web này còn tự tin khẳng định là sản phẩm viên uống xương khớp hàng đầu Việt Nam, 100% hiệu quả...

Cùng với đó, website này còn liên tục sử dụng những từ ngữ mạnh để quảng cáo sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc điều trị gồm: “đánh tan”, “đẩy lùi”, “thoát khỏi”, “đau đến mấy cũng khỏi”...

Trong khi, Luật Quảng cáo quy định nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPBVSK có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chấm dứt”, “chữa khỏi”, “đẩy lùi”, “xóa tan”, “giải quyết dứt khoát”, “điều trị”, “thoát khỏi”...

Sử dụng hình ảnh y bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Sử dụng hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Sử dụng hình ảnh của cán bộ nhà nước để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Cũng giống như mô típ quảng cáo “nổ” công dụng của các loại TPBVSK khác, trang web này thường xuyên lợi dụng hình ảnh, uy tín của các bác sĩ, nhân viên y tế. Thường xuyên đăng tải các video, hình ảnh các chuyên gia y tế, y, bác sĩ đầu ngành gồm: BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương. Hay lời cảm ơn/hình ảnh của nhiều nghệ sĩ, người bệnh để quảng cáo công dụng cho sản phẩm.

Được biết, sản phẩm Đại Cốt Đan do Công ty TNHH Thương mại Tubi (địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Zen Tower, số 12 Đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Đại diện pháp luật là ông Đỗ Thanh Hải.

Đáng nói, mặc dù, các trang web đang quảng cáo, bán sản phẩm TPBVSK Đại Cốt Đan đều đăng tải thông tin về đơn vị phân phối độc quyền là Công ty TNHH Thương mại Tubi. Nhưng qua quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Thương mại Tubi không thừa nhận các website/link vi phạm trên là của công ty, khẳng định không quảng cáo trên các website/link này.

Thông tin trên website hiển thị công ty phân phối là Công ty TNHH Thương mại Tubi.

Dấu hiệu coi thường pháp luật!

Ngay sau khi Cục An toàn thực phẩm lên tiếng cảnh báo, một số các website nêu trên đã không còn truy cập được nữa. Tuy nhiên, sau khi thử tìm kiếm, sản phẩm TPBVSK Đại Cốt Đan lại được xuất hiện tại nhiều website khác cũng với những quảng cáo “thổi phồng” công dụng tương tự.

website quaythuocgiadinh.com.

Thậm chí, tại website quaythuocgiadinh.com còn ngang nhiên khẳng định TPBVSK Đại Cốt đan là "Một sản phẩm đặc trị xương khớp hiệu quả".

Không chỉ được quảng cáo rầm rộ trên các website, các trang thương mại điện tử, sản phẩm này còn được quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, từ Zalo, Facebook tới Youtube…

Trong vai một người bệnh xương khớp, phóng viên liên hệ số điện thoại hotline 0877.994.009 để nhận tư vấn từ các “chuyên gia”. Nghe máy là một nữ nhân viên, sau khi hỏi qua tình trạng bệnh của khách, người này cho biết sẽ chuyển thông tin cho “các bác bên phòng khám” để gọi lại tư vấn cho phóng viên.

Khoảng 5 phút sau, phóng viên nhận được cuộc gọi tự xưng là bác sĩ Phúc. Chỉ bằng hình thức “khám bệnh” qua điện thoại, bác sĩ Phúc ngay lập tức chẩn đoán được bệnh tình và đưa ra luôn phác đồ điều trị. Theo đó, giá bán niêm yết của 1 lọ Đại Cốt Đan là 780.000đ, liệu trình điều trị 2 tháng mua 2 tặng 1 tổng 1.560.000đ, nếu mua liệu trình 2 tháng sẽ ưu tiên tặng thêm 1 lọ tổng là 3 lọ vẫn chỉ 1.560.000đ, hiệu quả đạt đến 90%. Khi muốn đến khám trực tiếp, người này liên tục đưa ra những lời từ chối và cho biết, hàng sẽ được giao miễn phí tận nhà.

Với những dấu hiệu bất thường như trên, có thể thấy sản phẩm Đại Cốt Đan đang được bày bán tràn lan không có sự kiểm soát, tự xưng là các chuyên gia tư vấn, bác sĩ, dược sĩ khám bệnh và kê đơn, “thổi phồng” công dụng sản phẩm.

Điều đáng nói, mặc dù các hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng, dù đã có không ít cơ quan báo chí thông tin phản ánh về thực trạng quảng cáo nhiều dấu hiệu sai phạm của TPBVSK Đại Cốt Đan, nhưng không hiểu vì lý do gì, các quảng cáo này vẫn ngang nhiên tồn tại. Phải chăng, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đã “nhờn luật” vì lợi ích mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?

Chính phủ đã có nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top