Phát hiện loài thảo dược quý hiếm
Ngày 24/3, thông tin từ Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, sau một thời gian khảo sát, nhóm cán bộ, các nhà khoa học của đơn vị này chính thức xác nhận và công bố đông trùng hạ thảo bọ xít được tìm thấy trong những cánh rừng nguyên sinh ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Đông trùng hạ thảo bọ xít có hình dạng rất đặc biệt. Khi còn nhỏ, nấm có hình lưỡi liềm hoặc dạng thuôn nhọn ở phần đầu nấm. Đến giai đoạn nấm già và chuẩn bị cho quá trình sinh sản, phần đầu có màu vàng cam đỏ, phần thân dưới màu nâu sẫm. Ở giai đoạn trưởng thành, nấm có độ cao khoảng 10 - 20cm.
Đông trùng hạ thảo bọ xít mới được phát hiện. |
Đông trùng hạ thảo bọ xít giống như những loại đông trùng hạ thảo khác là được hình thành từ sự kết hợp giữa loại nấm cordyceps và bọ xít. Khi ấu trùng bọ xít ngủ đông và sống dưới mặt đất, bào tử nấm cordyceps ký sinh sẽ hút dần chất dinh dưỡng từ vật chủ. Khi thời tiết ấm áp, bào tử nấm bắt đầu sinh sôi, nảy nở và trồi lên khỏi mặt đất để trở thành một cây nấm trưởng thành và bắt đầu vòng đời tiếp theo, phát tán bào tử nấm đi khắp mọi nơi. Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, đông trùng hạ thảo bọ xít có công dụng không hề thua kém so với đông trùng hạ thảo khai thác từ cao nguyên Tây Tạng và đây là một loại thảo dược quý, hiếm.
Đông trùng hạ thảo là dược liệu quý đã được sử dụng phổ biến trong y học khi có tới 17 axit amin có tác dụng bồi bổ và chống suy nhược cơ thể; kích thích hệ miễn dịch với hoạt chất selen; giúp kiểm soát tiểu đường, ổn định đường huyết; giảm cholesterol trong máu, rất tốt cho những người bị mỡ máu cao. Trước đó, đông trùng hạ thảo bọ xít cũng được phát hiện tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Vườn Quốc gia Hoàng Liên là khu vực thứ 2 phát hiện loài thảo dược này. Cũng theo Vườn Quốc gia Hoàng Liên, sau phát hiện này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm cách nhân rộng mẫu giống đông trùng hạ thảo bọ xít hiện có để đưa vào sản xuất.
Có nhiều loài nấm ký sinh lên côn trùng
GS Bùi Công Hiển, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, coi đây là đông trùng hạ thảo bọ xít thì cần phải làm rõ nhiều yếu tố khoa học lĩnh vực côn trùng và nấm. Thực tế, có rất nhiều loại nấm ký sinh lên côn trùng, trong đó có loại độc hại, cũng có loại bổ dưỡng, nhưng đến nay đều là những phát hiện lẻ tẻ.
“Còn nhớ trong một hội thảo khoa học về côn trùng trong y học cổ truyền, GS Đái Duy Ban cũng có thông báo ở miền núi phía Bắc, trẻ chăn trâu cũng hay bắt các nấm ký sinh lên côn trùng để nướng ăn. Vấn đề này mới dừng ở mức "kinh nghiệm bản địa", chứ cho đến nay vẫn chưa có đề tài nghiên cứu khoa học bài bản nào”, GS Bùi Công Hiển cho hay.
Để khẳng định chính xác đây là đông trùng hạ thảo bọ xít, các nhà khoa học phát hiện ra loài này nên gửi mẫu về các đơn vị chức năng để xác định chính xác tên khoa học của bọ xít và nấm. Còn ở góc độ chuyên gia về côn trùng có thời gian dài nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo, GS Bùi Công Hiển cho rằng, nói chung nếu giống nấm cordyceps mà không có tên loài thì giá trị khoa học còn hạn chế. Đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá trị là bởi có chứa hoạt chất cordycepin, nhưng trong công bố này của các nhà khoa học lại không nhắc đến.
GS Bùi Công Hiển cũng cho biết, ở Việt Nam hiện chỉ có sâu chit được coi là “đông trùng hạ thảo Nam”. Kết quả phân tích thành phần hóa học của sâu chít và bột khô sâu chít cho thấy hàm lượng đạm và mỡ rất đáng kể. Trong sâu chít có 7/8 axit amin cần thiết cho cơ thể, tổng các axit béo không bão hòa là trên 58%, ngoài ra còn có nhiều nguyên tố vi lượng cao như magie, kali, canxi, kẽm, natri… Chúng có thể gây độc với một số dòng tế bào ung thư, phục hồi tổn thương của hệ miễn dịch…