Sâu bột bổ dưỡng, thân thiện môi trường
Cơ quan An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EFSA) vừa đưa ra kết luận sâu bột an toàn, có thể làm thức ăn cho người. Theo báo The Guardian của Anh, kết luận được EFSA đưa ra sau khi Micronutris - nhà sản xuất thực phẩm làm từ côn trùng đầu tiên của Pháp - nộp đơn đề nghị xem xét. Các nhận xét của EFSA được dự báo sẽ mở đường cho việc nuôi công nghiệp sâu bột và bày bán tại siêu thị. Sâu bột là dạng ấu trùng của một loài bọ cánh cứng có tên khoa học Tenebrio molitor. Đây là loại côn trùng đầu tiên được EFSA khẳng định an toàn cho sức khỏe con người khi ăn. Sâu bột có lớp vỏ mỏng màu vàng ươm trông bắt mắt, bên trong chứa nhiều protein, chất béo và chất xơ. Khi được sấy khô, sâu bột có mùi vị giống như đậu phộng.
Theo các nhà khoa học, chăn nuôi và sản xuất thịt truyền thống là một trong những nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Nhiều cánh rừng bị đốn hạ, nước sạch được sử dụng trong chăn nuôi gây ảnh hưởng tới môi trường. Để khắc phục, trào lưu ăn côn trùng cũng xuất hiện và từng bước mở rộng.
GS.TS Bùi Công Hiển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, côn trùng làm thực phẩm được sử dụng nhiều nước trên thế giới, ngày càng trở thành xu thế phổ biến. Sâu bột là một trong những loài dùng làm thực phẩm rất tốt. Ngoài ra, ở Mỹ đã có những sản phẩm đồ hộp từ dế. Thái Lan là nước sử dụng nhiều loài côn trùng làm thực phẩm nhất, tới 134 loài trong tổng số 229 loài côn trùng có thể dùng làm thực phẩm. Ở Việt Nam, việc điều tra, nghiên cứu về côn trùng làm thực phẩm còn hạn chế, cho dù người dân đã sử dụng một số loài côn trùng để ăn từ hàng nghìn năm trước.
Một số loài thực phẩm côn trùng bổ dưỡng có thể kể đến như tằm dâu, sâu tre, bọ hung, bọ ngựa, sâu dâu, châu chấu, tò vò, ve sầu, rệp giường, các loài ong mật…. Cho dù công trùng có kích thước nhỏ bé nhưng vì số lượng rất đông đúc nên có thể trội hơn về trọng lượng hay sinh khối so với các động vật khác. Việc phân tích thành phần hóa học của nó chỉ ra rằng có thể so sánh được với những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Côn trùng là đặc sản nhiều dinh dưỡng
GS.TS Bùi Công Hiển cho biết, nhiều nơi, côn trùng là thức ăn xa xỉ. Ví dụ ở Mexico, người ta ăn trứng loài cà cuống, rất có giá trị dinh dưỡng. Họ dìm những tấm vải xuống nước để cà cuống đẻ trứng vào đó rồi thu trứng đem phơi khô và làm bánh ngọt. Các thổ dân châu Úc thu thập một lượng lớn sâu xám, cho vào túi rồi nước trên than để ăn, ấu trùng có mùi vị béo ngầy. Nhiều bộ tộc ở Ấn Độ đã ăn kiến, châu chấu, ấu trùng và nhộng một số cánh cứng, bướm, ruồi, ong và cánh cực đục thân cây. Ở Irắc, hàng năm có khoảng 35 tấn công trùng được thu thập và bán trên thị trường làm thực phẩm. Người Trung Quốc cổ xưa có tục ăn ve sầu và đeo những con ve sầu bằng ngọc làm đồ trang sức. Ve sầu là một món ăn ưa thích trong các bữa tiệc lớn thời nhà Chu (1100 - 221 TCN).
Ở Việt Nam, côn trùng làm thực phẩm rất đa dạng. Sâu chít, sâu tre là những loài đặc hữu cho vùng núi Tây Bắc. Kiến gai đen, ong đất, ong khoái là những loài đặc hữu của vùng núi phía Bắc. Các loài bướm phượng như Troides helena, Troides aeacus… cũng là những loài đặc hữu cho một vài vùng núi cao. Thậm chí ngay một số loài gây hại như sâu đuông hại dừa, bọ dừa nhỏ… cũng là những đặc sản được khai thác. Việc khai thác đa phần là thủ công, không được phổ biến cách nhân nuôi để khai thác hợp lý. Hiện nhiều trào lưu nuôi dế, nuôi cà cuống, nuôi sâu đuông… đã được thực hiện, nhưng chưa được bài bản mà đa phần là tự phát.
“Trong quá trình nuôi ong mật, hàng năm người nuôi ong phải thải loại hàng trăm kg ong đực. Sản phẩm này nếu được thu hồi bảo quản và chế biến làm thực phẩm thì rất có giá trị. Tài nguyên côn trùng chủ yếu tập trung ở vùng núi và nông nghiệp, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Do vậy, nên đưa vào các chương trình phát triển nông thôn miền núi nội dung này để giúp người dân làm giàu từ tài nguyên thiên nhiên bền vững”, GS.TS Bùi Công Hiển cho hay.