Hỏi: Tôi và chồng tôi đều to béo nên khi sinh các cháu cũng rất to, đứa nào đứa nấy đều trên 4kg cân nặng. Tôi chăm sóc các cháu không cầu kỳ, được cái các cháu phàm ăn. Vừa rồi tôi đưa các cháu đi khám, bác sĩ nói cháu nào cũng thừa cân. Không biết do các cháu ăn nhiều hay do gen béo của bố mẹ? Thừa cân nguy hiểm hay thiếu cân mới nguy hiểm?
Mỹ Duyên (Hà Đông)
TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, trẻ thừa cân béo phì đang thay thế con số trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam và dù béo phì hay suy dinh dưỡng cũng đều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ ngay từ khi còn đi học đến lúc trưởng thành.
Trẻ béo phì có liên quan đến các hội chứng hen suyễn, ngưng đường thở khi ngủ, gây tâm lý trẻ béo phì bị kỳ thị. Trẻ thừa cân béo phì lớn lên tiếp tục béo phì gây nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường sau này.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên những cặp song sinh cho thấy yếu tố gen có ảnh hưởng lớn đến trọng lượng. Thừa cân và béo phì có khuynh hướng di truyền. Nếu cha mẹ thừa cân thì nguy cơ sinh ra những đứa con thừa cân, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc yếu tố môi trường.
Một chế độ ăn mất cân bằng năng lượng dễ khiến trẻ thừa cân. Cân bằng năng lượng nghĩa là năng lượng nạp vào ngang bằng với nhu cầu năng lượng của trẻ.
Năng lượng nạp vào là lượng calorie mà thu được từ thức ăn và đồ uống, nhu cầu năng lượng của cơ thể là năng lượng mà cơ thể cần sử dụng để thực hiện các quá trình sinh lý, sinh hóa, trao đổi chất, hoạt động thể lực và tăng trưởng phát triển.Thừa cân và béo phì xảy ra khi năng lượng mà trẻ ăn bổ sung nhiều hơn nhu cầu năng lượng mà cơ thể cần.
Muốn điều chỉnh lại chế độ ăn, cha mẹ cần hạn chế các thực phẩm giàu năng lượng, cân bằng các thành phần protein – lipid – glucid. Thêm vào đó, hãy tập cho trẻ thói quen thích vận động thay vì ngồi lì một chỗ xem phim, chơi điện tử…
PV ghi