Trả lời phản ánh của người dân, Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023, các trường hợp vi phạm "phạt nguội" đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an (nơi phát hiện vi phạm hành chính), đại diện tổ chức, cá nhân đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát Giao thông để người dân chủ động tra cứu, chấp hành xử phạt.
Cục Cảnh sát Giao thông cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn gọi điện lừa đảo qua thông báo “phạt nguội”.
"Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn", Bộ Công an nhấn mạnh.
Theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cán bộ chức năng thuộc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm phải xác định thông tin về phương tiện, chủ phương tiện có liên quan. Sau đó, gửi thông báo cho người liên quan theo thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chủ phương tiện, người điều khiển đến trụ sở làm việc.
Trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển không cư trú tại địa bàn đó, cán bộ chức năng chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho Công an cấp xã hoặc cấp huyện, nơi người đó cư trú, để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.
Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản về lỗi vi phạm, chủ phương tiện hoặc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp hoặc online qua hệ thống dịch vụ công.