Thịt ba ba dưỡng âm mát huyết

(khoahocdoisong.vn) - Ba Ba từ lâu thường dùng nấu chuối, nấu lẩu, sa tế, hầm thuốc bắc đều ngon. Theo y học cổ truyền thịt ba ba vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng âm mát huyết, bổ hư, chữa trị mồ hôi trộm, di tinh, kinh nguyệt không đều, bế kinh, viêm thận mạn tính, xơ gan, đái đường, nóng trong xương, lao phổi, lỵ mạn tính, phụ nữ có khí hư…

Theo dược tính, trong mỗi 100g thịt ba ba có 80g nước, 16,5g protid, 1,0g lipid, 1,6g carbohydrate, 107mg Ca, 135mg Iod, 1,4mg Fe, 0,62mg vitamin B1, 0,37mg vitamin B2, 3,7mg nico-tinic axit, vitamin A  13mg và chất keo keratin (chất sừng), vitamin D. Mai ba ba có chứa keratin, chất đạm, vitamin D và iod…

Mai  Ba Ba (miết giáp) vị mặn,  tình bình có công dụng dưỡng âm thanh nhiệt, bình can, tức phong,  tán kết… (tẩm giấm nướng, tán thành bột uống với rượu, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trị đau lưng). Sách  Hải Thượng Lãn Ông có ghi: “Mai ba ba để chữa lao gầy nóng trong xương, ôn ngược sốt cơn, sốt rét dai dẳng, phụ nữ sau sinh bị lao, mụn mọc trong ruột, tiêu sưng hạ huyết ứ, bế kinh, rong huyết, thạch lâm (sỏi tiết niệu)”.

Để chữa cam sài, lở ngứa ở trẻ em, phụ nữ sau khi sinh bị sa tử cung, lở ngứa âm hộ, đàn ông thoát giang (lòi đom), trĩ sa nhiều hoặc qui đầu lở loét, dùng đầu ba ba tẩm rượu phơi sấy khô đốt cháy tồn tính, tán bột, hoà với dầu mè xoa thoa ngoài, sau khi đã rửa sạch bằng nước sắc ngải cứu.

Máu ba ba có thể chữa chứng nhãn khẩu oa tà (liệt dây thần kinh VII), lao xương khớp thoát giang, trẻ em sốt rét, có báng tích, bị cam sài. Người ta còn pha máu ba ba với rượu uống nóng để phục hồi sức khoẻ cho người mới ốm dậy. Máu ba ba ngâm mật ong uống chữa bệnh đái tháo đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, bệnh đường ruột… Mỡ ba ba dùng bôi ngoài để chữa bỏng, vết thương, vết loét, mụn nhọt, bệnh trĩ. Trứng ba ba lấy lòng đỏ gói lá chuối, nướng chín hoặc rán không mỡ ăn chữa kiết lỵ mạn tính, lòng trắng dùng bôi chữa trĩ.

Một số món ăn dân gian làm thuốc từ ba ba

Chữa tiểu đường: Thịt ba ba làm sạch khoảng 200g, quả chuối tiêu xanh 300g thái lát cho thêm gia vị, tiêu, gừng, mắm muối vừa đủ, bung ăn tuần vài lần.

Chữa chứng can thận hư tổn, lưng gối đau mỏi:  Ba ba 1 con nửa ký làm sạch, tiềm với  kỷ tử 30g, hoài sơn 30g, đỗ trọng 20g, gia vị gừng hành vừa đủ. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ cùng với các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Chữa chứng hư lao, người nóng, khó lên cân:  Ba ba một con, tiềm với bài bát trân gia vị gồm có thục địa 30g, đương quy 14g, bạch thược 14g, xuyên khung 12g, nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g.

Chữa bệnh xơ gan cổ trướng: Dùng một con ba ba tiềm với 120g hạt cau và 10 nhánh tỏi, nêm một ít muối. Dùng liên tục từ 5-7 ngày, khi có giảm trướng bụng thì giảm lượng cau còn 30g.

Chữa ho do phế tỳ bất túc, viêm phế quản mạn tính, suy nhược thần kinh:  Luộc một con ba ba, bỏ đầu và nội tạng, rồi cắt thành lát, đem tiềm với 30g câu kỷ tử, 30g hoài sơn (tiềm trong nồi đất). Dùng liên tục,  mỗi liệu trình từ 5-7 ngày.

Chữa  viêm thận mạn tính: Thịt ba ba đem hấp với 60g tỏi, liều vừa đủ cho vào đường trắng, rượu trắng và nước, hấp chín để ăn trong ngày, ăn liền từ 3-5 ngày.

Chữa các chứng do can thận âm hư gây ra đau lưng, di tinh, hoa mắt, chóng mặt: Dùng món canh được nấu từ một con ba ba  tiềm với nữ trinh tử, 30g câu kỷ tử, ăn mỗi đợt từ 5-7 ngày.

Chữa bế kinh ở phụ nữ: Dùng thịt ba ba và thịt lợn nạc vừa đủ, đem nấu chung để ăn, ăn liên tục từ 3-5 ngày.

Chữa viêm loét tá tràng: Dùng 250g thịt ba ba cho vào một cái dạ dày lợn nấu chín, làm canh để ăn. Ăn một đợt khoảng 7 ngày.

Chữa đau nhức  suy nhược: Ba ba làm sạch tiềm với 25g địa cốt bì, 25g sinh địa, 15g mẫu đơn bì để ăn trong ngày. Dùng từ 5-7 ngày.

Nên dùng những con ba ba ở môi trường tự nhiên thì tốt hơn ba ba nuôi, sẽ đảm bảo giá trị dinh dưỡng vốn có của con vật quý giá này. Ba Ba có tính hàn, người vốn hay bị lạnh bụng, tiêu chảy không nên ăn nhiều. Theo kinh nghiệm dân gian, không nên ăn thịt ba ba với kinh giới vì sẽ sinh lở ngứa. 

Lương y Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám đa khoa Thiên Tân)

Theo Đời sống
back to top