Thiết kế văn phòng xanh tránh kín, bí, ô nhiễm là điều mà dân văn phòng đang hướng tới.
Những yếu tố “xanh”
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, hiện chưa có một định nghĩa chuẩn về “văn phòng xanh”. Vì vậy, mỗi tổ chức khác nhau với góc nhìn khác nhau sẽ đưa ra những tiêu chí riêng của mình. Tuy vậy, vẫn có những chuẩn mực chung để xác định một văn phòng có “xanh” hay không.
Thứ nhất là việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, gồm năng lượng, nước, vật tư thiết bị… Thứ hai là việc tạo ra một môi trường xanh. Môi trường xanh ở đây không chỉ là việc trồng nhiều cây xanh, mà còn đảm bảo các yếu tố thân thiện môi trường tự nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người trong môi trường làm việc đó.
Có thể lấy ví dụ từ những việc rất nhỏ như đặt máy in, máy photocopy ở đâu để giảm nguy cơ phát thải các chất độc hại từ máy móc không ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.
Tương tự, “xanh” còn thể hiện ở việc có kế hoạch tiết kiệm điện sử dụng (không để điều hòa nhiệt độ dưới 270C, thiết kế phòng làm việc hợp lí và khoa học để sử dụng được nhiều ánh sáng tự nhiên, tắt màn hình máy tính nếu không sử dụng trong 30 phút, để máy tính chuyển màn hình sang chế độ screen saver sau 5 phút không hoạt động,…); tiết kiệm mực in, tăng cường giao dịch điện tử, văn bản không nên để chế độ in đậm nhiều; tận dụng giấy đã in một mặt để tiết kiệm giấy, các máy in cài đặt chế độ in hai mặt…
“Một cách tiếp cận nữa là việc tạo ra một không gian làm việc xanh. Ví dụ, một “văn phòng xanh” nếu là văn phòng công sở của doanh nghiệp còn phải tạo được môi trường làm việc thân thiện cho mọi nhân viên trong văn phòng; nếu là cơ quan công quyền cần phải tạo được môi trường thân thiện với mọi người dân đến liên hệ công việc…”- Ông Huỳnh Kim Tước
Luôn sạch, ngăn nắp
Theo KS Nguyễn Phan Sơn, Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế nội thất Hoàng Gia, Thanh Xuân, Hà Nội, một cách tiếp cận khái niệm xanh là việc tạo ra một môi trường làm việc xanh bằng cách cải tạo cảnh quan xung quanh văn phòng, ví dụ như thiết kế lại hệ thống chiếu sáng.
Việc thiết kế hệ thống chiếu sáng bằng cách giảm nhu cầu chiếu sáng nhân tạo, có thể sử dụng kết hợp một phần hoặc hoàn toàn ánh sáng tự nhiên, thông qua các cửa kính, giếng trời, các kênh lấy sáng. Thiết kế kiến trúc phù hợp tận dụng hướng nắng chiếu, cách bố trí các phòng chức năng, kích thước cửa… cũng giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên tốt hơn.
Đối với các hệ thống chiếu sáng nên sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện thay cho các loại đèn kiểu cũ. Hiện nay, thế hệ đèn led được xem là ưu việt hơn cả trong việc tiết kiệm điện.
Ngoài ra, kết hợp tăng cường công tác vệ sinh để giữ gìn sạch sẽ các hành lang, lối đi, sảnh chờ, phòng họp và phòng làm việc, quy định hạn chế khu vực hút thuốc trong các tòa nhà; thường xuyên kiểm tra thiết bị vệ sinh, thay thế kịp thời các thiết bị mới có công nghệ cải tiến khi thiết bị cũ hư hỏng, từng bước cải thiện quy cách vệ sinh công sở cũng như dán nhãn nhận biết thiết bị, lắp đặt biển báo, biển hướng dẫn sử dụng nước, nguồn nước, điện, nguồn điện để tiết kiệm năng lượng; trang bị thùng rác có dán nhãn phân loại rác…
Một số tiêu chuẩn để đạt được chứng nhận “Văn phòng xanh” Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (đơn vị khởi xướng văn phòng xanh):
– Cải thiện hiệu quả năng lượng liên tục để giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
– Làm giảm chất thải, tái chế và phân loại chất thải theo yêu cầu của địa phương.
– Quan tâm đến vấn đề màu xanh lá cây trong mua sắm.
– Thông báo và giáo dục nhân viên về hoạt động Văn phòng xanh.
– Luôn hướng tới cải tiến liên tục trong các vấn đề môi trường.
Huy Khánh