Thị trường thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp nội lép vế trên "sân nhà"

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới, nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu của nước ngoài với giá trị nhập siêu khoảng 1 tỷ USD/năm.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam thường lâm vào tình trạng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương khi có sự cố xảy ra. Điều này được thể hiện rõ nét những tháng gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành và dịch bệnh Covid-19 lan rộng.  

Có thể nói, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay. Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp giảm sâu sản lượng sản xuất. Một số doanh nghiệp lớn thông thường hoạt động 80% công suất thì nay chỉ hoạt động cầm chừng 30 - 40% công suất, thậm chí một số dây chuyền sản xuất đã tạm ngừng hoạt động.

Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhiều nước đóng cửa biên giới. Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam 6 tháng vì thế giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng nguyên liệu dự trữ cơ bản của các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì sản xuất đến khoảng hết quý III /2020.

Nhập khẩu nguyên liệu khó khăn, giá thành trong nước lại tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phải tăng giá sản phẩm từ 200 – 1.000đ/kg.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài, chiếm tỷ lệ 32%. Số doanh nghiệp trong nước chiếm 68% với 180 nhà máy. Tuy số lượng áp đảo nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ nắm giữ được khoảng 35% thị phần cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước. Đây là một nghịch lý đáng lo ngại, khi thị phần của doanh nghiệp trong nước đang có nguy cơ ngày một sụt giảm (ước tính giảm 2 - 3%/năm).

Rõ ràng, lợi thế “sân nhà” vẫn không thể giúp cho các doanh nghiệp nội địa đánh bại được các đối thủ ngoại. Trong khi chúng ta đang loay hoay với bài toán khủng hoảng nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp nước ngoài đã có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng. Một số tập đoàn lớn từ Singapore, Hà Lan, Đức, Trung Quốc… cũng đang ý định đầu tư vào Việt Nam trong phân khúc thức ăn chăn nuôi. Như vậy, cuộc cạnh tranh giành thị phần sẽ càng trở nên khốc liệt hơn.

Nếu Việt Nam không có các sách lược phát triển lâu dài cụ thể để phát triển ổn định, mảnh đất màu mỡ của chúng ta sẽ bị các đối thủ nước ngoài chiếm lĩnh và chi phối.

Theo Đời sống
Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Chiều 24/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ từ 38 - 68 đồng/lít, trong khi giá các loại dầu tăng giảm tùy loại, nhưng mức biến động cũng không đáng kể.
back to top