Thị trường logistics Việt Nam: Cú hích từ Hàn Nhật

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam ngày càng trở thành một thị trường mở khi tham gia các hiệp định thương mại đa phương, nhiều doanh nghiệp logistics trong nước đã xem mua bán – sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp logistic nước ngoài như một cách để tăng cường tiềm lực và khả năng cạnh tranh.

Hoạt động vận tải và logistics Việt Nam đang trên đà phát triển cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, với khả năng cạnh tranh cao.

Ngoại lấn nội

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể: 3,27. Việt Nam xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018, được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Đồng thời với đó, Việt Nam được đánh giá đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics, như tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng với việc ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). 

Hơn nữa, vị trí địa lý nằm trên đường giao thương quốc tế, cấu trúc địa chất cho phép xây dựng các cảng biển đón được tàu hàng lớn nên thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...

Theo thống kê, ngành logistics Việt Nam hiện có mức tăng trưởng cao, lên tới 15-16%/năm. Một cuộc khảo sát cho thấy các doanh nghiệp logistics tin tưởng trong vài năm tới, tốc độ phát triển của ngành vẫn giữ ở mức 2 con số. Dự báo đến năm 2025, ngành logistics sẽ chiếm 8 - 10% tổng GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều chỉ có quy mô nhỏ, vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, số lượng lao động dưới 50 người. Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện có tới hơn 3.000 doanh nghiệp logistics. Trong đó, doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 2 - 3% tổng số doanh nghiệp logistics, nhưng lại nắm giữ 70 - 80% thị phần của ngành.

Ngoài thua thiệt về vốn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn thua thiệt về kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, dẫn đến chất lượng dịch vụ không cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện chỉ có 5-7% số lao động làm việc trong mảng logistics tại Việt Nam được đào tạo bài bản, còn lại được đào tạo từ các nguồn khác nhau và chưa có một nền tảng kiến thức đào tạo một cách chắc chắn.

Vấn đề về vốn cũng khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, công đoạn khác nhau của chuỗi logistics như dịch vụ kho, vận tải… Chưa có sự liên kết là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp logistics nước ngoài thường cung cấp các dịch vụ trọn gói, nên nhiều tập đoàn lớn vẫn lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ Công Thương, nhìn nhận, xu hướng phát triển trong nguồn cung dịch vụ logistics tại Việt Nam sẽ là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics để chia sẻ lợi nhuận từ khai thác lợi thế về hạ tầng và vận tải, cũng như tăng năng lực cạnh tranh để vươn đến các nấc thang cao hơn trong chuỗi dịch vụ logistics.

Sóng mới từ M&A

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng trở thành một thị trường mở khi tham gia các hiệp định thương mại đa phương, nhiều doanh nghiệp logistics trong nước đã xem mua bán – sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp logistic nước ngoài như một cách để tăng cường tiềm lực và khả năng cạnh tranh.

Chẳng hạn, Công ty CP Gemadept Logistics (GMD) đã bán một phần sở hữu tại hai công ty con trong lĩnh vực này cho CJ Logistics (Hàn Quốc) và thu về khoảng 125 triệu USD. Cụ thể, thông qua SSJ Consulting Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã hợp tác với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ đầu tư Nhật Bản chuyên đầu tư cơ sở hạ tầng để mua 10% cổ phần của CTCP Gemadept, với giá khoảng 4 tỷ yên (37 triệu USD).

Sự tham gia của các đối tác Hàn – Nhật này cho phép Gemadept tận dụng công nghệ, nguồn lực, phương thức quản lý tiên tiến của cả hai bên để đạt được tham vọng – như Tổng giám đốc Gemadept Đỗ Văn Minh mong muốn – trở thành doanh nghiệp logistics mạnh nhất khu vực Đông Dương và thuộc TOP doanh nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á.

Ngoài GMD, có thể kể đến thương vụ hợp tác giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Suzue – tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trong mảng logistic - về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và logistics diễn ra vào đầu tháng 7/2019. Ngoài ra, còn có thể kể đến các thương vụ như Shibusawa Warehouse Ltd chi 9,2 triệu USD mua cổ phần của Vinafco (năm 2014), SG Holdings chi ra 9 triệu USD để mua gần 80% cổ phần ở Phát Lộc Express (năm 2016).

Mới đây nhất, đầu tháng 7/20119, Mitsui O.S.K Lines (MOL) đã đến khảo sát Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (VTIP) để xem xét đưa các tàu của MOL vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia vào cảng. Ngoài ra, MOL cũng tìm hiểu khả năng làm hàng gỗ dăm của các doanh nghiệp trong khu vực cảng Vĩnh Tân. Ở phía Bắc, MOL đã cùng Viseco, HTM và Golden Link lập liên doanh MVG để triển khai dự án kho bãi MVG Đình Vũ….

Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là một nhà đầu tư lớn vào mảng logistics tại Việt Nam. Thương vụ đáng chú ý là Samsung SDS bắt tay với Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) để lập liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ.

Một doanh nghiệp ngành hàng không Công ty cổ phần dịch vụ sân bay (ASG)  cũng ký kết hợp tác với công ty ULP - doanh nghiệp logistics hàng đầu tại Hàn Quốc, với mạng lưới khách hàng là các hãng lớn (Samsung, Hyundai, LG, Sony, Canon, Foxconn, Doosan, Korea Power; Hyundai, CJ, HTNS, Lotte, Pantos, KGL, Damco, Schenker, Kerry…) - để tham gia cung cấp dịch vụ logistics đối với hàng hóa có yêu cầu đặc biệt.

Đáng chú ý, ngay cả trong lĩnh vực đường sắt - vốn dĩ luôn nhận đầu tư thấp nhất trong số các loại hình vận tải của Việt Nam - cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Trong nhiều chục năm, có không các đề nghị từ nhà đầu tư ngoại về phương án tuyến đường sắt xuyên Việt, hay kết nối tới cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Lân (bị đầu tư dở dang) không được xem xét... đã dẫn tới hạn chế khả năng bùng nổ của nền kinh tế logistics trong tương lai. 

Theo Đời sống
Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Chiều 24/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ từ 38 - 68 đồng/lít, trong khi giá các loại dầu tăng giảm tùy loại, nhưng mức biến động cũng không đáng kể.
back to top