Thị trường chứng khoán tháng 7 sẽ đi lên sau những nhịp điều chỉnh

(khoahocdoisong.vn) - Những ngày đầu tháng 7/2021, nhà đầu tư chứng khoán được trải qua mọi cung bậc cảm xúc khi chứng kiến thị trường lập đỉnh mới, sau đó giảm sốc trong sự ngỡ ngàng. Nhưng đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tăng tích lũy ở nhịp điều chỉnh.

Trong tháng 6/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng 3 con số của lượng giá trị giao dịch, với 29.690 tỷ đồng/ngày, tăng 293% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung cả 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn chứng khoán đạt 22.775 tỷ đồng/ngày, tăng 292% so với nửa đầu năm 2020.

Sau đà tăng tốc mạnh trong những tháng trước đó, chỉ số nhóm VN30 bắt đầu tăng trưởng chậm lại trong tháng 6, ghi ngận ở các nhóm Tài chính, Vật liệu, Năng lượng và Công nghệ thông tin. Ngược lại, dòng tiền lại lan tỏa sang một số ngành diễn biến kém khả quan trước đây như nhóm Bất động sản (tăng 9%), hàng tiêu dùng không thiết yếu (tăng 8,6%).

Sang tháng 7, được coi là tháng cao điểm các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm. Nhiều dự báo tăng trưởng lợi nhuận khả quan được ghi nhận tại các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như Ngân hàng, Dầu khí, Chứng khoán và Thép. Nhóm VN30 quay trở lại dẫn dắt thị trường.

Hệ số định giá P/E tăng lên 17,08 lần vào ngày 2/7. Định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp trong quý 2 và nửa đầu năm.

Sau khi HoSE bắt đầu vận hành hệ thống mới của FPT từ ngày 5/7, trái ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường bất ngờ đảo chiều, giảm nhẹ. Cuối phiên ngày hôm sau, sắc đỏ bao phủ khắp các sàn giao dịch, giảm mạnh 56 điểm.

Tuy nhiên, theo nhận định của SSI Research, trong những ngày giữa và cuối tháng 7, xu hướng đi lên sẽ quay trở lại nhưng song hành cùng chiến lược quản trị rủi ro.

Dòng tiền tiếp tục quay trở lại nhóm VN30 và trở thành động lực thúc đẩy chỉ số Vn-Index hướng đến các vùng mục tiêu tiếp theo lần lượt là 1.450 và 1.480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2.  

Dù vậy, chiến lược quản trị rủi ro cần được nhà đầu tư chú trọng chặt chẽ trong giai đoạn này. Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, như áp lực lạm phát quay lại và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4, do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận cũng như hết hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ 2020.

Theo Đời sống
back to top