Thay khớp háng cho bệnh nhân ngay tại vùng núi

(khoahocdoisong.vn) - Người già bị gãy cổ xương đùi (GCXĐ) chớ nên sợ phẫu thuật, nằm thêm một ngày là bệnh thêm nặng. Với công nghệ thay khớp háng bán phần và toàn phần người già, thậm trí trên 90 bị GCXĐ, vẫn có thể phục hồi sức khỏe và đi lại được.

Phải hỗ trợ người bệnh mới thay được khớp

Bà Nguyễn Thị Thịnh (78 tuổi ở Quỳnh Hợp, Nghệ An) đang được bác sĩ tập vận động ngày thứ 2 sau thay khớp để ngày mai sẽ rút chấn lưu tập phục hồi chức năng là bà đi lại được.  

BS Tô Quốc Khánh, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An cho biết, bà Thịnh bị ngã khi từ trên giường xuống đất gây  mất vận động háng phải, chân phải ngắn hơn chân trái 1cm. Bà đau không chịu được, sang ngày thứ 2 gia đình mới đưa đến viện thì mới biết bị GCXĐ. Bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt, gia đình không đủ kinh phí thay khớp, Bệnh viện đã hỗ trợ kinh phí để phẫu thuật.

BS Tăng Việt Hà, Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An được phát triển từ Trung tâm y tế huyện thành bệnh viện hạng 2 tuyến tỉnh nhưng bệnh viện đã thực hiện nhiều kỹ thuật cao của bệnh viện hạng 1 như: phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật thần kinh sọ não và thay khớp... Việc thực hiện kỹ thuật cao này đòi hỏi bệnh viện phải đầu tư rất nhiều cả về trang thiết bị, kỹ thuật và đội ngũ bác sĩ tay nghề cao.

Ngoài đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, còn phải xây dựng phòng mổ đạt tiểu chuẩn cao, công tác nhiễm khuẩn đảm bảo tuyệt đối với trang thiết bị hiện đại, đi kèm đó đội ngũ gây mê, hồi sức... Đặc biệt, thay khớp đòi hỏi chi phí điều trị cao, người dân đa phần là người nghèo không có tiền phẫu thuật, Bệnh viện đã phải huy động từ thiện hỗ trợ bệnh nhân để được chữa trị. Nhờ đó, từ 7/2018 đến nay, Bệnh viện đã thay khớp được cho hơn 30 bệnh nhân, trong độ tuổi từ 60 – 90 tuổi.

Mổ chậm nhiều biến chứng nặng gây tử vong

BS Tô Quốc Khánh cho biết, GCXĐ là bệnh thường gặp ở người già do loãng xương, chỉ cần một sang chấn nhẹ như trượt chân, ngã đập mông xuống là gãy.  100% GCXĐ loại này đều gãy di lệch ít hoặc nhiều. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, loại gãy này thường dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao (khoảng 30% trong năm đầu tiên) sau gãy do các biến chứng của bất động kéo dài như loét hoại tử các vùng tì đè, viêm phổi, tắc mạch, nhiễm trùng đường tiểu...

BS Tô Quốc Khánh cảnh báo, dân ta thường có quan niệm người già gãy xương sức yếu không mổ chỉ đắp lá hoặc chăm sóc mà không biết rằng đó chính là nguyên nhân đẩy bệnh nhân đến nguy cơ tử vong nhanh chóng vì nằm thêm một ngày là bệnh thêm nặng.

Bởi xương đùi gẫy rất khó liền và do không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi nên người bệnh khó có khả năng đi lại như trước khi gãy và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động như chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn; khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau...

Đặc biệt. do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; loét ở những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng...; ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới ... 

BS Khánh cho biết, để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn. Mổ càng sớm càng tốt. Mổ kết xương cố định hoặc thay khớp bán phần với khoảng thời gian 45 - 60 phút. Sau mổ, 2 – 3 ngày bệnh nhân đã có thể tập đi và đi lại được dễ dàng.

Trường hợp để lâu, người già vốn đã nhiều bệnh mạn tính, nằm lâu (> 6 tuần), các bệnh mạn tính nặng lên hoặc phát sinh bệnh mới, xương bị gẫy tổn thương nặng nề, tiêu chỏm khi đó phẫu thuật sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khớp thay từ bán phần sang thay toàn phần cả chỏm xương đùi rất nặng nề.

Gãy cổ xương đùi, là bệnh thường gặp ở người già dễ gây tử vong, chi phí điều trị lớn. Vì vậy, để phòng tránh căn bệnh này thì ngay từ khi còn trẻ đã phải biết cách chăm sóc xương chắc khỏe: Chế độ ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo canxi, chăm vận động, tập luyện thể thao...

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top