PGS Trần Đình Chiến, Bệnh viện 103 cho biết: Thay khớp vai là một kỹ thuật khó và chỉ nên thực hiện đối với 2 loại bệnh nhân. Thứ nhất là đối tượng đã thoái hóa khớp vai lâu ngày, sử dụng thuốc mà không thuyên giảm, khiến bệnh nhân đau, không thể vận động, ảnh hưởng tới cuộc sống.
Những bệnh nhân này thường thày phức tạp hơn bởi các khớp đã co cứng, vận động khó, di chứng đã lâu ngày. Thứ hai là bệnh nhân có chấn thương hoặc bị u trên cánh tay.
Những trường hợp này phải đục mỏm u xương đầu trên cánh tay, nạo các thành phần u, thay khớp, ghép xương cánh tay, chỏm cánh tay bằng kim loại. Bác sĩ sẽ bỏ phần khớp bị hỏng, lắp khớp nhân tạo.
Khớp vai có phần chỏm giống phần quả bóng và ổ chảo giống cái đĩa ôm phần chỏm giúp khớp vai vận động. Một trong 2 bộ phận này bị hư hỏng, bện nhân sẽ không vận động được. Có những trường hợp chỉ thay chỏm khớp, có trường hợp thay cả ổ chảo và chỏm.
Cái nguy hiểm nhất là bệnh nhân có thể có biến chứng nhiễm khuẩn, chệch khớp, sau mổ vẫn hạn chế vận động, tổn thương mạch máu…