Thanh tra, giám sát quan lại – Kỳ 4: Thanh tra độc lập

Thanh tra độc lập,

Hình minh họa.

Những quan thanh tra tiêu biểu

Qua các tư liệu sử sách đã chứng minh vai trò của Ngự sử đài trong lịch sử. Lê Quý Đôn đã đánh giá hoạt động của các quan trong Ngự sử đài thời Lê như sau: “Khoảng năm Thiệu Bình (Lê Thái Tông) và Thái Hòa (Lê Nhân Tông), Đinh Cảnh An, Bùi Cầm Hồ, Phan Thiên Tước, Nguyễn Vĩnh Tích, Hà Lạt và Đông Thanh Phát bàn luận trung thực, chính đáng, phong độ, đẹp đẽ không những giúp vua tiến lên con đường đạo đức mà bọn công thần, võ tướng cũng đều nể sợ không dám làm càn”.

Đội ngũ quan chức được tuyển dụng vào làm việc trong Ngự sử đài đều là người công minh, chính trực và liêm khiết. Tiêu biểu như Tả Gián nghị đại phu Lý Đạo Thành, Tả Gián nghị đại phu Trương Hán Siêu, Ngự sử Trung tán Đoàn Nhữ Hài thời Trần, Chính chương Ngự sử đài Nguyễn Trãi, Tả Gián nghị đại phu Nguyễn Như Đỗ thời Lê…

Chế độ thanh tra giám sát thời kì phong kiến hoạt động tương đối độc lập. Một quan tri phủ mắc lỗi thì Hiến sát không cần thông qua quan cấp trấn (cấp tỉnh) mà có quyền tâu thẳng lên Ngự sử đài hoặc trực tiếp lên bộ Hình, thậm chí lên cả Vua.

Ngay cả bộ Lại là bộ có quyền hành cao nhất trong triều đình trong việc tuyên bổ, thăng giáng, bãi miễn quan lại, song nếu thăng bổ không xứng thì Lại khoa vừa có quyền giới thiệu người khác vừa có quyền tố giác theo nguyên tắc lớn nhỏ, trong ngoài cùng ràng buộc lẫn nhau.

Khuyến khích tố cáo tham nhũng

Có thể nói, dưới các triều đại phong kiến của nước ta, chức năng cơ quan thanh tra đã hình thành thông qua hoạt động của Ngự sử đài (hoặc Đô sát viện).

Cơ quan này được trao nhiệm vụ thay mặt vua để xem xét, giải quyết các khiếu kiện của dân và giám sát hoạt động của bộ máy quan lại, đồng thời cơ quan này mang chức năng “tham mưu” cho vua thông qua việc hiến kế sách hay để trị nước hoặc can gián những lỗi lầm của vua.

Bên cạnh đó, các triều đại phong kiến đặc biệt coi trọng việc phát huy tinh thần của dân trong tố cáo những hành vi tham nhũng; có cơ chế khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng gắn với chính sách bảo vệ không để người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Nhà Lý quy định những người tố cáo việc biển thủ tiền thuế của các viên quan thu thuế sẽ được miễn lao dịch ba năm, người ở kinh thành cáo giác thì sẽ được trọng thưởng.

Đến nhà Lê, Quốc triều Hình luật có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng của quan lại các cấp. Pháp luật triều Nguyễn cũng thể hiện rất rõ những quan điểm này.

Vua Gia Long quy định, nếu người coi kho và người bảo vệ biết được hành vi thủ đoạn của người lấy trộm mà tố cáo thì được miễn tội.

Tổ chức cơ quan “thanh tra” dưới thời phong kiến tuy còn rất đơn giản, nhưng đã hoạt động đắc lực, cùng với cơ quan khác, góp phần giúp vua trị nước.

Có được vai trò như vậy trước hết xuất phát từ việc nhìn nhận đúng đắn của người đứng đầu về vị trí, chức năng, thẩm quyền của cơ quan thanh tra cũng như việc lựa chọn những người có tài, có đức vào công việc này. Việc này thiết nghĩ, cũng là một bài học kinh nghiệm cho công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta ngày nay.

 Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top